Nông nghiệp - Nông thôn

Xử lý bất cập về hệ thống đê điều ở Ba Vì, Ứng Hòa: Cấp bách thực hiện các giải pháp

Kim Nhuệ 28/05/2024 - 06:50

Khi mùa mưa bão đã bắt đầu cũng là lúc nỗi người dân ở huyện Ba Vì, Ứng Hòa nơm nớp lo khi hệ thống đê điều trên địa bàn đang xảy ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng hoặc chưa có hệ thống kè bảo vệ.

Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành cần cấp bách thực hiện các giải pháp đã đề ra trong việc quản lý nhằm bảo đảm tài sản, tính mạng cho người dân.

dai-dien-cac-co-quan-chuc-n.jpg
Đại diện các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì kiểm tra hiện trường nứt nhà ở của người dân.

Hư hỏng nhà ở, mất đất sản xuất

Tại huyện Ứng Hòa, khảo sát thực tế tại đây trong ngày 27-5 của phóng viên Báo Hànộimới ở thị trấn Vân Đình cho thấy. nhiều nhà ở, tường rào, sân, đất ở của 150 hộ dân ở thị trấn bị rạn nứt, sụt lún, trôi nghiêng về phía lòng sông Đáy.

Chỉ vào bức tường ngôi nhà xây dựng dở dang nứt toang hoác, bà Doãn Thị Minh (ở xóm 2, thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình) cho biết, dành dụm và vay mượn được ít tiền, gia đình quyết định xây dựng ngôi nhà kiên cố để thay thế nhà cũ xuống cấp. Chưa kịp hoàn thiện thì tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, nền nhà sụt lún trôi nghiêng về phía lòng sông. Các vết nứt và hố sụt càng mở rộng sau những trận mưa lớn, mực nước sông Đáy dâng cao rồi rút xuống. Gia đình bà Doãn Thị Minh đã phải chuyển đến ở nhờ nhà người thân…

Trưởng thôn Vân Đình Nguyễn Hải Thành thông tin, hiện nay, 2/3 dân số của thôn sinh sống sát mép sông, ngoài khu vực bảo vệ của đê. Những năm trước đây, tình trạng sụt lún, sạt lở, nứt nẻ công trình đã xảy ra nhưng không nhiều hộ và nghiêm trọng như hiện nay. Tất cả công trình xảy ra sự cố đều có xu hướng nghiêng về phía lòng sông…

Gần đây, trong số báo ngày 21-5, Báo Hànộimới có bài viết "Huyện Ba Vì - Chủ động ứng phó trước thiên tai", trong đó đề cập đến tình trạng kè sông Hồng ở xã Phong Vân bị nứt nẻ, đất nông nghiệp ở xã Minh Châu bị sạt lở... Cho đến gần đây, tình trạng này vẫn không có chuyển biến, người dân địa phương, trong đó có hơn 200 hộ dân sinh sống tại xóm Bãi (thôn Vân Hội, xã Phong Vân), chưa hết nơm nớp lo. Tại xóm Bãi, ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cũng xuất hiện nhiều vết nứt nẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Vân Đào Văn Thưởng cho hay, tình trạng lún nứt nhà dân tại xóm Bãi (thôn Vân Hội) xảy ra từ cuối năm 2023, khi đó chỉ có 9 hộ bị ảnh hưởng. Đến đầu năm 2024, có hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó có 42 hộ bị lún, nứt nhà ở, sân, tường rào, chuồng trại chăn nuôi. Thời gian tới, nếu không có giải pháp, số hộ bị ảnh hưởng có thể tăng lên.

Người dân các xã: Minh Châu, Phong Vân, Chu Minh... ở Bà Vì cho rằng, nguyên nhân xảy ra các sự cố sạt lở là do hoạt động khai thác cát trên sông Hồng. Vì vậy, từ nhiều tháng nay, người dân địa phương đã phải cắt cử nhau đi tuần dọc bờ sông để xua đuổi tàu thuyền neo đậu, hút cát...

Cùng xắn tay giải quyết

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy thị trấn Vân Đình Trần Duyên Hải cho biết, thị trấn đã cắm biển cảnh báo khu vực xảy ra sự cố; đồng thời xây dựng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi sự cố phát triển mở rộng đến mức nguy hiểm…

“Để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân sinh sống ở khu vực ven sông Đáy nhất là trong mùa mưa bão này, thị trấn Vân Đình rất mong các cấp, các ngành sớm kiểm tra, đề xuất thành phố bố trí kinh phí khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục sự cố sạt lở trên địa bàn…”, đồng chí Trần Duyên Hải đề nghị.

Còn về tình trạng hệ thống đê điều tại Ba Vì bị sạt lở, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết, những năm gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều sự cố sạt lở bờ bãi sông, kè, công trình nhà ở của dân, phân bố chủ yếu tại các xã Phong Vân, Thái Hòa, nằm đối diện các mỏ khai thác cát thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ... “Chúng tôi có hình ảnh khai thác ngoài giờ và nhiều hơn 2 tàu so với thông tin doanh nghiệp khai thác cát tại tỉnh Phú Thọ chia sẻ trên báo chí...”, ông Hứa Bá Trình thông tin thêm.

Tính đến ngày 24-5, lực lượng chức năng huyện Ba Vì đã xử lý dứt điểm 4/5 vụ vi phạm pháp luật đê điều xảy ra trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024; đóng cửa 17/17 bãi trung chuyển, tập kết cát sỏi ở bãi sông. Trên địa bàn huyện có 1 mỏ có giấy phép khai thác cát, nhưng đơn vị này đã dừng hoạt động từ ngày 13-4 vừa qua...

Trước thực trạng trên, UBND huyện Ba Vì đã có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội kiến nghị tạm dừng việc khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng thuộc khu vực giáp ranh huyện Ba Vì; đồng thời, ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản không đúng quy định...

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngày 24-5 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và huyện Ba Vì kiểm tra hiện trường, thống nhất đề xuất UBND thành phố phương án ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông...

Sau buổi làm việc và kiểm tra thực tế, Phó Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Đinh Tiến Sỹ cho biết, sẽ tổng hợp, thống nhất đề xuất UBND thành phố Hà Nội về tăng cường công tác quản lý, khai thác cát sỏi lòng sông, bến bãi trung chuyển và tập kết cát sỏi ven sông...

Thực tế cho thấy, giải pháp đã có nhưng điều quan trọng nhất là các bên liên quan nhanh chóng xắn tay giải quyết hơn để nhìn thấy chuyển biến tích cực hơn so với hiện trạng. Đây cũng là yêu cầu để người dân trên địa bàn huyện Ba Vì, Ứng Hòa vơi nỗi lo mất đất canh tác, mất an toàn vì sạt lở đê hay không có hệ thống kè...