Indonesia ra mắt “siêu ứng dụng” chính phủ điện tử
“Siêu ứng dụng” INA Digital hướng tới việc cung cấp một hệ thống duy nhất, cho phép người dân Indonesia dễ dàng truy cập và sử dụng các ứng dụng của Chính phủ.
Ngày 27-5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố sáng kiến INA Digital - “siêu ứng dụng” hướng đến tích hợp hệ thống và dữ liệu của khoảng 27.000 ứng dụng chính phủ hiện hành nhằm mục đích giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công.
Dẫn tuyên bố của Tổng thống Joko Widodo, The Jakarta Post cho biết, Indonesia cần tăng cường cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số để số hóa các dịch vụ công. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi “govtech” (cách tiếp cận dựa trên công nghệ để hiện đại hóa khu vực công) thành cổng thông tin tích hợp INA Digital.
Bộ trưởng Bộ máy nhà nước và Cải cách hành chính Indonesia Abdullah Azwar Anas nhận định, INA Digital không phải là một nền tảng hay ứng dụng mới, mà là việc triển khai một hệ thống dịch vụ công kỹ thuật số tích hợp hướng tới cung cấp một hệ thống duy nhất cho phép người dân Indonesia dễ dàng sử dụng các ứng dụng của Chính phủ.
Tháng 9, INA Digital sẽ tích hợp ít nhất dịch vụ của 15 bộ và cơ quan Chính phủ. Những bước chiến lược tiếp theo sẽ dần cải thiện “siêu ứng dụng” này và tăng cường quản trị liên quan đến điều phối nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số.
Peruri được chọn trở thành nhà điều hành INA Digital.
Khả năng bảo mật và bảo vệ dữ liệu của INA Digital là yếu tố đáng lưu ý do các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân tại Indonesia từng trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc những năm gần đây.
Tháng 11-2023, chưa đầy 3 tháng trước cuộc tổng tuyển cử, tin tặc đã xâm phạm cơ sở dữ liệu của Ủy ban Bầu cử quốc gia Indonesia (KPU) và rao bán dữ liệu cá nhân của cử tri trên các diễn đàn chợ đen. Trước đó, hồi tháng 7, tin tặc đã làm rò rỉ dữ liệu của 35 triệu người mang hộ chiếu quốc gia này. Năm 2022, Indonesia ghi nhận vụ rò rỉ 3,2 tỷ dữ liệu người dùng PeduliLindungi - ứng dụng theo dõi dịch Covid-19 chính thức.