Thế giới

Ba Lan bổ sung chi tiết kế hoạch tăng cường phòng thủ biên giới phía Đông

Kim Phượng 27/05/2024 - 18:30

Ngày 27-5, Ba Lan đã bổ sung thông tin chi tiết về dự án “East Shield” - Lá chắn phía Đông, một chương trình trị giá 10 tỷ zloty (2,55 tỷ USD) nhằm tăng cường phòng thủ dọc biên giới phía Đông nước này với Belarus và Nga.

ba-lan.jpg
Lính tuần tra dọc biên giới Ba Lan - Belarus ở Usnarz Gorny. Ảnh: Reuters

Bộ Quốc phòng Ba Lan đã trình bày chi tiết về chương trình, bao gồm kế hoạch xây dựng công sự, trung tâm và hệ thống viễn thông phối hợp đồng minh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở tiền tuyến phía Đông, gồm: Phần Lan, Estonia, Latvia và Litva.

Bộ trưởng Quốc phòng Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết: “Điều này tạo hệ thống hành động phòng thủ và răn đe phức tạp. Chương trình sẽ kết nối các hệ thống truy cập, nhưng chúng tôi cũng sẽ mua và triển khai các hệ thống trinh sát và chống máy bay không người lái hiện đại. Đây là hoạt động lớn nhất nhằm củng cố biên giới phía Đông của Ba Lan - sườn phía Đông của NATO kể từ năm 1945”.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Cezary Tomczyk, các khoản đầu tư sẽ bắt đầu vào quý I năm 2025 và dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2028. Ba Lan hy vọng sẽ huy động được nguồn vốn của EU cho một số dự án.

Biên giới Ba Lan đã trở thành điểm nóng kể từ khi lượng người di cư ồ ạt vào năm 2021, sau khi Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, mở các công ty du lịch ở Trung Đông cung cấp một tuyến đường không chính thức mới vào châu Âu. EU nhận định động thái này có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng.

Chính phủ trước đây của Ba Lan đã xây dựng hàng rào ở biên giới Ba Lan - Belarus dài hơn 180km và cao 5,5m để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp. Sau đó, Ba Lan đã bổ sung hệ thống camera và cảm biến giám sát biên giới. Mối quan hệ giữa Ba Lan và Nga cũng xấu đi nghiêm trọng sau khi Mátxcơva thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24-2-2022. Warsaw đã tăng cường chi tiêu quốc phòng để đáp trả.

Giữa lúc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, giới lãnh đạo Ba Lan đã nhiều lần lên tiếng về việc tăng cường bảo vệ đất nước trước "mối đe dọa" từ Mátxcơva. Hồi tháng 4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng, Warsaw sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ, nếu nước này được đề nghị tham gia kế hoạch chia sẻ hạt nhân của NATO.