Đề nghị Công đoàn có quyền khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội mà không cần được ủy quyền
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với việc giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Cấm chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội
Chiều 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) quan tâm đến Điều 8, khoản 2 quy định hành vi bị nghiêm cấm chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Quy định trong dự thảo Luật theo đại biểu là chưa đầy đủ nên đề nghị Ban soạn thảo nên giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Khoản 3, Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đó là nghiêm cấm chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
“Vì thực tế hiện nay, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nhưng vẫn trích từ tiền đóng của người lao động hằng tháng khi trả lương diễn ra phổ biến”, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nêu.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến của một số đại biểu liên quan đến các quy định về hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, phương án xử lý và trách nhiệm của các bên có liên quan.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung các quy định liên quan đến nội dung xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội và sửa đổi, bổ sung quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn với chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động khi tham gia giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đại biểu, việc xử lý tình trạng nợ bảo hiểm xã hội rất khó khăn, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, do đó, nên cân nhắc việc giao cho tổ chức Công đoàn được quyền khởi kiện mà không cần sự uỷ quyền của người lao động.
Mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Góp ý về quy định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho biết, theo quy định tại dự thảo Luật, điều kiện đầu tiên để công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là khi đủ 75 tuổi trở lên hoặc từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đại biểu cho rằng cần rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội.
Cũng quan tâm đến đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, dự thảo Luật có quy định ngoại lệ đối với đối tượng được ưu tiên hưởng trợ cấp hưu trí xã hội . Theo đó, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì chỉ cần “từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi” sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Tuy nhiên, đối với quy định về giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì lại chỉ áp dụng đối với trường hợp “đủ 75 tuổi trở lên”. Để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đại biểu đề nghị, khi giảm dần độ tuổi với đối tượng bình thường thì cũng giảm đồng thời độ tuổi đối với trường hợp được ưu tiên.
Cũng quan tâm đến đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) đề nghị nghiên cứu bổ sung trường hợp giảm độ tuổi xuống 70 tuổi đối với những người đã tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Những trường hợp này chưa được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo Luật Bảo hiểm xã hội, cũng như chưa được hưởng trợ cấp, phụ cấp của người có công hằng tháng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đã có 55 ý kiến phát biểu, trong đó có 2 ý kiến tranh luận. Để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu, gửi đến các cơ quan có liên quan và báo cáo lại các đại biểu Quốc hội để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục.