Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo đột phá về hạ tầng giao thông đô thị
Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng theo định hướng của Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, chuyển đổi giao thông xanh.
Mô hình TOD với ưu tiên hệ thống đường sắt đô thị
Việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) là mô hình mới, hiện mới chỉ được thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Thời gian qua, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp để tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế lấy ý kiến các chuyên gia về nội dung này nhằm xây dựng mô hình phù hợp áp dụng cho thành phố.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, đây là vấn đề mới và hết sức khó đối với các cơ quan và chính quyền 2 thành phố nói trên. Việc quy định chính sách cụ thể như thế nào cần được tiếp tục nghiên cứu và có đánh giá, kiểm nghiệm từ thực tiễn cũng như kinh nghiệm của các quốc gia khác.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV theo hướng quy định một số nội dung lớn có tính nguyên tắc làm cơ sở để thành phố Hà Nội có thể phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.
Theo đó, trong khu vực TOD, UBND thành phố được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô.
Dự thảo Luật cũng xác định việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, với một số chính sách đặc thù như phân quyền cho HĐND thành phố trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; giao UBND thành phố được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của thành phố.
Như vậy, các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng và triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mà ưu tiên trước mắt là hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian, thủ tục tối đa cho việc xác định các quy hoạch có liên quan và quyết định chủ trương đầu tư, khai thác có hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị và các khu vực TOD. Từ đó bảo đảm mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố vào năm 2035 được nêu tại Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Hỗ trợ “xanh hóa” hệ thống giao thông
Kết luận số 80-KL/TƯ cũng đề ra phương hướng “phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh”, đây cũng là giải pháp được thành phố triển khai thời gian qua nhằm “xanh hóa” hệ thống giao thông công cộng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe CNG (khí nén thiên nhiên) và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng lưới.
Hiện trên địa bàn thành phố cũng có 8 đơn vị tham gia thí điểm hoạt động xe điện bốn bánh với 223 phương tiện, hoạt động khu vực phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Làng cổ Đường Lâm, khu vực chùa Hương và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ chủ yếu mục đích tham quan du lịch và nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân viên trong khu vực nội Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố định hướng chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch. Trong đó, giai đoạn 2025-2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45-50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Để bảo đảm cơ chế, chính sách hoàn thiện mục tiêu này, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chỉnh lý lại quy định theo hướng HĐND thành phố quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch để thành phố có thể chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp phù hợp với khả năng nguồn lực và yêu cầu của tình hình thực tế.
Đồng thời, giao HĐND thành phố quy định các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí và các biện pháp cần thiết kèm theo để bảo đảm phát triển bền vững. Các quy định này nhằm hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và bảo đảm thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trên địa bàn thành phố.