Tập huấn chuyển đổi số báo chí và tác phẩm báo chí trên nền tảng số
Sáng 27-5, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chức Lớp tập huấn “Chuyển đổi số báo chí và tác phẩm báo chí trên nền tảng số”.
Tham gia thuyết trình là PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Lớp tập huấn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, trong bối cảnh Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-4-2023, phê duyệt chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định rõ mục tiêu chung: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.
Chuyển đổi số báo chí bao gồm việc sử dụng công nghệ số để sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng như website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại, tạo ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. Việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ như AI, IoT, Big data,... trong các sản phẩm báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động, giúp tạo ra các sản phẩm thông minh, phù hợp hơn với người dùng.
Trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng đã cung cấp nhiều thông tin giá trị về chuyển đổi số báo chí, cách xây dựng, phân tích dữ liệu để có được tác phẩm báo chí giá trị. Đặc biệt là phát triển các sản phẩm báo chí số thông qua cách thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, nhằm phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả.
Nhiều thông tin mới, hấp dẫn và đặc sắc về cách ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung được nêu tại chương trình. Diễn giả cũng giới thiệu, chia sẻ một số phương pháp vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, nhằm đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả.
Khẳng định “Chuyển đổỉ số vừa tạo thách thức, vừa tạo cơ hội cho các nhà báo, phóng viên tác nghiệp”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh giá trị của việc xây dựng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.
Với các nhà báo, phóng viên, lớp tập huấn mang lại nhiều lợi ích thực tiễn trong việc xây dựng tác phẩm báo chí trên nền tảng số, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Qua đó, nâng cao ý thức rèn luyện các kỹ năng cơ bản, cần thiết trong quá trình chuyển đổi số báo chí, đặc biệt là kỹ năng về công nghệ thông tin, an ninh mạng, thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu…, tạo nên các tác phẩm giá trị, gần gũi với bạn đọc trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển hiện nay.