Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thủ đô: Hạt nhân tích cực thực hiện các phong trào thi đua
Phát huy vai trò là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thủ đô luôn là những hạt nhân tích cực trong thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động do Mặt trận phát động. Qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Lan tỏa việc làm tốt
“Sống tốt đời, đẹp đạo, người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” là phương châm được bà con giáo dân Giáo xứ Thụy Phương (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) thực hiện tốt nhiều năm qua. Trưởng ban Hành giáo Giáo xứ Thụy Phương Phạm Văn Đoàn cho biết, hằng năm, Giáo xứ có 98-100% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đồng bào Công giáo trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm còn tự nguyện đóng góp trên 230 triệu đồng cải tạo đường ngõ tổ dân phố; lắp đặt 83 camera an ninh; lắp dụng cụ thể thao, xây dựng sân chơi tổ dân phố. 100% xứ - họ đạo thực hiện việc tang văn minh, đưa người quá cố đi hỏa táng; việc cưới không tổ chức ăn uống kéo dài nhiều ngày.
Còn tại Giáo xứ Cẩm Cơ (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín), thực hiện cuộc vận động “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gần 200 hộ gia đình thực hiện mô hình “sống xanh, sạch, đẹp” bằng việc trồng rau sạch để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chăn nuôi xa khu dân cư…
Với phương châm "Chung tay vì một xã hội tốt đẹp, mọi người dân đều có cuộc sống hạnh phúc", thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, tăng ni Trường Hạ Khuyến Lương và các hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, đại đức… đã hỗ trợ xây dựng 12 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội, trị giá 600 triệu đồng.
Tại chùa Trung Hậu (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh), thực hiện chủ trương của địa phương là nâng cao ý thức cho người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, môi trường sống, nhà chùa đã lắp đặt 30 thùng rác trong khuôn viên chùa. Trong các buổi thuyết giảng, sư thầy trụ trì luôn kết hợp lồng ghép các chủ đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cho tăng ni, Phật tử và nhân dân nhằm tạo sự thay đổi trong quá trình trồng trọt, hạn chế việc người dân dùng thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng và xả rác bừa bãi ngoài ruộng.
Tạo nên những đổi thay
Đổi mới phương thức hoạt động, phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đoàn kết tôn giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã sớm triển khai chương trình phối hợp và thống nhất hành động, ký giao ước thi đua với các tổ chức tôn giáo. Cách làm này đã được các tổ chức tôn giáo tích cực hưởng ứng, đăng ký thi đua bằng những mô hình, phần việc cụ thể, khẳng định đường hướng sống tốt đời, đẹp đạo.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: “Nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã phối hợp, ký giao ước thi đua phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thủ đô trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chung sức xây dựng Thủ đô ngày giàu đẹp, văn minh”.
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố còn tổ chức các hội nghị thông tin tình hình kinh tế - xã hội, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho chức sắc, nhà tu hành; phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo cùng đồng hành trong công tác an sinh xã hội. Năm 2023, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố và Quỹ Thiện Tâm Tập đoàn Vingroup đã tặng quà cho 300 hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tặng 1.021 suất quà, 310 triệu đồng, 28 xe đạp, 2 nhà Đại đoàn kết, 50 ba lô tới các hộ gia đình khó khăn, học sinh nghèo vượt khó. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các quận, huyện, thị xã ủng hộ 4 nhà Đại đoàn kết, 25 triệu đồng tiền mặt; Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô ủng hộ 400 thùng đựng nước cho các hộ được xây dựng nhà Đại đoàn kết; các tổ chức tôn giáo trên địa bàn ủng hộ gần 12 tỷ đồng tới Quỹ “Vì người nghèo” các cấp.
Mục sư Phạm Tuấn Nhượng, Quản nhiệm Hội Thánh tin lành lời sự sống Việt Nam cho biết: “Là công dân của Thủ đô, chúng tôi mong muốn được đóng góp vào các cuộc vận động mà Mặt trận và chính quyền thành phố phát động. Cảm ơn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã có nhiều sáng kiến, kết nối để chúng tôi có cơ hội tham gia sâu hơn các hoạt động này”.
Cùng hướng đến trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội, Đại đức Thích Viên Đức, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội chia sẻ: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục vận động Phật tử ủng hộ các chủ trương của thành phố, Mặt trận, nhất là trong bảo vệ môi trường, an sinh xã hội để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp”.