Quy hoạch

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Tìm nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn

Bảo Hân 26/05/2024 19:58

Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 của Bộ Chính trị nhấn mạnh Quy hoạch Thủ đô cần đánh giá cụ thể hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân, gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển Thủ đô.

Đây cũng là một trong những nội dung được các cấp quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tập trung đóng góp ý kiến; đơn vị tư vấn lập quy hoạch xác định trọng tâm nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch.

giao-thong.jpeg
Hạ tầng giao thông chậm phát triển, thiếu kết nối được nhận diện là một trong những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Nhận diện hệ thống điểm nghẽn của Hà Nội

Phát biểu tại phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu, Hà Nội còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, như: Giao thông, điện, năng lượng, thông tin - truyền thông, cấp, thoát, nước, thủy lợi, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội... Đặc biệt, 3 vấn đề lớn cần lưu tâm là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt.

Từ thực trạng phát triển đô thị Thủ đô hiện nay, đối chiếu với những đặc trưng về phát triển đô thị thông minh và bản sắc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng chỉ ra nhiều “điểm nghẽn” mang tính tổng thể đang cản trở tiến trình phát triển.

Cụ thể, về trình độ phát triển nền tảng sản xuất, cấu trúc các hình thái dịch vụ của thành phố về cơ bản nằm trên vỉa hè và bám theo các cấu trúc hạ tầng giao thông thay vì trong hệ thống thông minh và tinh vi với chất lượng dịch vụ giá trị gia tăng cao, các trung tâm dịch vụ lớn và văn minh.

Đáng chú ý, nguồn lực số cho hình thái đô thị thông minh của Hà Nội thiếu tập trung và phần nhiều chưa có sự chắt lọc và xử lý liên thông một cách chính xác, thông suốt. Các dữ liệu cơ bản phục vụ cho việc phát triển giao thông, năng lượng, quản trị, phân bổ sản xuất, dịch vụ thông minh… về cơ bản ở trình độ sơ khai, phần nhiều chưa phản ánh đúng thực trạng do đầu vào dữ liệu dựa trên báo cáo bằng văn bản là chính.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch Thủ đô cho biết, đồ án Quy hoạch đã nhận diện 5 điểm nghẽn chính gồm: Thể chế, hạ tầng, môi trường và các yếu tố về không gian, hạn chế trong quy hoạch, vấn đề liên quan đến cán bộ và công tác quản lý.

Theo đại diện đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, có Luật Thủ đô nhưng thiếu các quy định về thể chế vượt trội, vẫn tuân thủ các quy định như các tỉnh nói chung. Nhiều nguồn lực như di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước sông hồ... của Thủ đô chưa được khai thác hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế để biến thành động lực, đột phá.

Thể chế, mô hình quản trị của Hà Nội hiện chưa đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu đặc thù của Thủ đô như diện tích rộng, dân số đông; mật độ dân số rất cao ở khu vực nội đô; nhiều đô thị chưa có mô hình quản trị như đô thị vệ tinh; mô hình quản trị các khu đô thị mới, đặc biệt các khu đô thị có quy mô lớn nhưng nằm trong khu vực nông thôn...

Giá trị lịch sử, văn hóa của quốc gia hội tụ ở Thủ đô nghìn năm văn hiến chưa được củng cố, phát triển và tích hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại để định hình bản sắc, trở thành nguồn lực phát triển của Hà Nội. Phát triển khoa học và công nghệ; y tế, giáo dục và đào tạo chất lượng cao; nguồn nhân lực, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự bền vững.

Nguyên nhân chủ quan và khách quan

Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học Ngô Tuấn Nghĩa phân tích, về khách quan, tư duy quản lý và quy hoạch đô thị của Hà Nội một thời gian khá dài chịu ảnh hưởng bởi tư duy kế hoạch hóa tập trung tích hợp với phương thức sản xuất nông nghiệp làm cho tính chất manh mún, chắp vá trở thành dòng chính trong thực hiện bố trí không gian vật chất và không gian bản sắc.

“Về chủ quan, cấu trúc hạt nhân hệ thống chính trị trong tổng thể các chủ thể quản trị Thủ đô chưa gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Sự chờ đợi và thụ động trong một bộ phận không nhỏ chủ thể tham gia quản trị Thủ đô chậm được cải thiện. Sự sẵn sàng tham gia và tạo lập thể chế cho sự tham gia của người dân vào quản trị đô thị chưa được xác lập một cách hệ thống và chặt chẽ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tuấn Nghĩa nêu.

Ngoài ra, về trách nhiệm giải trình và sự kịp thời chưa được thực hiện tốt. Sự đùn đẩy, thiếu phối hợp, cắt khúc trong tổ chức thực hiện khiến những hoạt động liên thông của đô thị nhiều khi bị gián đoạn, ngắt quãng dẫn đến việc triển khai các nhiệm vụ phát triển chậm và chất lượng chưa cao.

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường nêu thực tiễn, năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, thiếu sáng tạo, chưa có tinh thần dám nghĩ, dám làm trong thực thi công vụ; chưa tạo được bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả với tinh thần phục vụ. Tại một số địa bàn quá trình đô thị hóa mạnh, số lượng, năng lực của cán bộ địa phương chưa theo kịp.

Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chưa tạo chuyển biến tích cực về diện mạo Thủ đô theo yêu cầu đô thị xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại. Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch chậm, đặc biệt là quy hoạch các đô thị vệ tinh. Một số quy hoạch chưa cập nhật chính xác hiện trạng sử dụng đất, dự án được duyệt; có quy hoạch dự báo chưa sát với yêu cầu thực tiễn và phát triển của địa phương dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư.

Từ việc đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt nêu trên, theo các chuyên gia, giải pháp thực hiện các quy hoạch được thành phố đặt ra cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi).