Kinh tế

Nên tiếp tục tăng hay giảm lãi suất huy động?

Hà Linh 26/05/2024 - 12:44

Lãi suất huy động có xu hướng nhích lên, lãi suất cho vay được nhận định là vẫn cao so với "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp.

Có người cho rằng nên tăng lãi suất huy động để bảo vệ giá trị tiền đồng, nhưng lại có ý kiến vẫn nên tiếp tục duy trì thấp để lãi suất đầu ra không tăng...

Ngân hàng lớn vẫn đứng ngoài

Theo thống kê, hiện nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động gần 1%/năm, đẩy lãi suất cao nhất được áp dụng lên đến 6,2%/năm kỳ hạn dài.

Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) tăng mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 15-18 tháng lên 6,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, nhiều kỳ hạn khác cũng tăng 0,3%/năm.

Trước đó, hàng chục ngân hàng khác cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm để thu hút dòng tiền như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)… nhưng mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 18-36 tháng là 5,5%/năm.

anh-giao-dich-vietcombank-27-10.jpg
Lãi suất tăng chưa diễn ra với nhóm ngân hàng lớn. Ảnh: Quang Thái

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm chuyên gia Công ty Chứng khoán BVSC, lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục.

Thực tế, các ngân hàng trong nhóm “Big 4” là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có vẻ như đứng ngoài “cuộc đua” với lãi suất huy động vẫn ở mức đáy.

Giới chuyên gia nhận định, một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho cơ hội tăng trưởng tín dụng thời gian tới. Song, tăng trưởng tín dụng khá chậm chạp trong những tháng đầu năm.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 10-5, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2023, tương đương dư nợ tín dụng đã tăng hơn 264.400 tỷ đồng so với đầu năm nay. Trước đó, 2 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống vẫn giảm so với cuối năm 2023. Cuối tháng 3, tín dụng quay đầu tăng trưởng 1,34%. Nhưng từ 29-3 đến 10-5, tín dụng chỉ tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng, chậm lại đáng kể so với kết quả của tháng 3. Từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng tăng hơn 279.000 tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng lý giải, tín dụng những tháng đầu năm chậm lại do một loạt nguyên nhân như cầu tín dụng yếu, khó khăn trong triển khai các chương trình chính sách. Cụ thể, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng vay chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn; đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Cụ thể, đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít..

Bên cạnh đó, các gói cho vay tiêu dùng gặp khó khăn khi thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm…. Công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin trong khi doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở chưa thật sự chú trọng truyền thông, phổ biến gói vay.

Dự báo lãi suất sẽ tăng

Nhiều ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm hướng ra các kênh đầu tư tích lũy khác như: Bất động sản, vàng, chứng khoán. Tuy vậy, tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp và các kênh đầu tư nói trên chưa hồi phục rõ nét, biến động khó lường, do đó đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới.

Hiện, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhiều ngân hàng chỉ còn 4,5-5%/năm. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát trong năm 2024 là 4-4,5%. Vì thế, người gửi tiền tiết kiệm có khi nhận được lãi suất thực dương rất thấp nếu như lạm phát không được kiềm chế tốt. Song, lại cũng có quan điểm, lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng.

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5-1%/năm từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, diễn biến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Một số tổ chức kinh tế khác dự báo, lãi suất huy động còn xu hướng tăng từ nay đến cuối năm 2024, với mức tăng 0,5-1%. Dù dự báo lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng nửa cuối năm, song giới phân tích đánh giá mức tăng không lớn khi tín dụng còn yếu.

Mới đây, trong cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Về chính sách tiền tệ, cần đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất; sử dụng hợp lý các công cụ thị trường, trong đó có việc bơm tiền ra, hút tiền vào phù hợp. Lưu ý không để tỷ giá ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giữ ổn định tương đối về tỷ giá. Dứt khoát thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1-2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng việc làm, tạo sinh kế cho người dân, phấn đấu tăng tín dụng 5-6% ngay trong quý II.