Thủ tướng: Nâng cao năng suất lao động là con đường ngắn nhất đưa nước ta vượt lên
Sáng 26-5 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”.
Đến dự có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; cùng cácỦy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phạm Tất Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
"Công đoạn nào có người làm tốt hơn là tôi học"
Là người lao động đầu tiên phát biểu tại diễn đàn, chị Phùng Thị Hạnh - công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng công ty May 10 chia sẻ suy nghĩ về việc chủ động, thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.
Từ kinh nghiệm của mình, chị Hạnh đánh giá, May 10 đi được đến ngày hôm nay, trong bối cảnh ngành Dệt may cạnh tranh gay gắt, là do bắt kịp mọi xu hướng, dẫn đầu mọi công nghệ, phát động phong trào không ngừng học tập, không ngừng đổi mới.
Chị Hạnh cho rằng, nếu từng người lao động luôn nỗ lực hằng ngày, có mục tiêu, khát vọng với sự đam mê và lòng tự trọng thì hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Chỉ khi nâng cao năng suất, mới có cơ hội nâng cao thu nhập, giảm thời giờ làm việc để chăm sóc gia đình, con cái và tái sản xuất sức lao động.
Đại diện cho công nhân Dệt may, chị Hạnh đề xuất nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ công tác đào tạo cho các doanh nghiệp sử dụng đông lao động, đặc biệt là lao động mới.
Cùng quan điểm, anh Mai Thiên Ân - Trưởng phòng Sản xuất, Công ty TNHH Intel Products (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động cho người lao động là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cao về chuyên môn hóa.
Với mong muốn nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó nâng cao năng suất lao động là động lực chính, anh Ân kiến nghị một số vấn đề. Theo đó, cần có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ từ sớm để trở thành “thói quen, nếp nghĩ, nếp làm” khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp.
"Bên cạnh đó, quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong việc đầu tư, chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động"- anh Mai Thiên Ân nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, anh Phan Tuấn Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam (Công đoàn Công Thương Việt Nam) nêu quan điểm: Môi trường lao động an toàn, dân chủ, văn hóa doanh nghiệp phát triển, góp phần tăng năng suất lao động.
Với những nghiên cứu kỳ công của mình trên phạm vi cả nước, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam Phạm Thu Lan đề xuất cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất. “Tổ chức Công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất. Bởi anh chị em dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi mà lương thấp ” - bà Lan nêu ý kiến.
Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, việc duy trì năng suất lao động cao là một trong những cơ sở quan trọng để Chính phủ quyết định ban hành một nghị định riêng về tiền lương cho Viettel và đây cũng đã trở thành tiền đề quan trọng giúp Viettel có được những thành tựu như hôm nay. Năng suất lao động theo doanh thu của toàn Tập đoàn là hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm.
Đại diện cho Viettel, bà Vũ Thị Mai cho rằng, doanh nghiệp cần có văn hóa giao việc khó, mang tính thách thức cao để cán bộ, nhân viên có cơ hội dấn thân, thể hiện khát vọng cống hiến cho tổ chức và xã hội. Áp dụng cơ chế khoán để kích thích cán bộ, nhân viên tìm tòi, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và được thưởng tương xứng theo giá trị tăng thêm. Đây còn là cách để phát hiện người giỏi và đòi hỏi cán bộ, nhân viên không ngừng sáng tạo, tìm giải pháp đột phá, tăng năng suất lao động.
Con người là trung tâm, là chủ thể của tăng năng suất lao động
Lắng nghe các tham luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các ý kiến, đề xuất rất hay, ấn tượng, tâm huyết, sát thực tế.
Qua 10 tham luận, theo Thủ tướng, có 6 nội dung cần đúc rút để nâng cao năng suất lao động. Đó là: Yêu nghề, yêu lao động; luôn luôn học hỏi, đề cao kiến thức và tay nghề; tuân thủ kỷ luật về vệ sinh an toàn lao động và xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng; luôn luôn đổi mới sáng tạo; được đãi ngộ thoả đáng về tinh thần vật chất, nhất là tiền lương và phúc lợi xã hội, khen thưởng, tôn vinh người lao động.
"Con người vừa là nguồn lực, là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động. Chúng ta không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn bộ đội ngũ công nhân, người lao động trên cả nước trong việc hăng hái thi đua lao động sản xuất, tăng năng suất lao động, đóng góp cho thành tựu chung của đất nước.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tăng năng suất lao động, Thủ tướng chỉ rõ "3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá" để tăng năng suất lao động. Quá trình triển khai, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động. Trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn. Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đãi ngộ về tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao đặc biệt là nhà ở.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động. Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ và phát triển kĩ năng nghề, kỹ năng sống cho người lao động. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động, nhà nghiên cứu và kiến nghị giải pháp phù hợp. Chú trọng công tác thương lượng, đối thoại, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động....
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp - chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ xanh. Tăng năng suất lao động, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động, lấy cơ sở là đổi mới sáng tạo… Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp; có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt.
Với toàn thể công nhân, người lao động, Thủ tướng yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của người lao động - chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải, vật chất và tinh thần cho xã hội. Không ngừng trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng, có hiệu quả.
“Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong phát triển, xây dựng đất nước nhanh, bền vững"- người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng, với tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, tổ chức Công đoàn Việt Nam, toàn thể đoàn viên, người lao động cả nước sẽ chung tay, chung sức, đồng lòng cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Kết thúc diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà 95 đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong cả nước có năng suất lao động cao, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất.