Nông thôn mới

Xã Minh Quang (huyện Ba Vì): Nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Hồng Đạt 26/05/2024 - 07:13

Ngày 27-4 vừa qua, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) tổ chức “Ngày hội bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Đây là năm thứ tư xã Minh Quang tổ chức sự kiện này. So với các lần trước, ngày hội năm nay có quy mô lớn hơn, hoạt động phong phú hơn. Ngày hội không chỉ đem lại niềm vui to lớn cho đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội cho địa phương.

z5455147017356_d8e76c7584f39870775a9e964113f552.jpg
Các hoạt động sôi nổi trong “Ngày hội bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì.

Thực sự là ngày hội

Để sự kiện mang đậm bản sắc dân tộc Mường, UBND xã Minh Quang đã thành lập Ban Tổ chức hội thi, phối hợp với chùa Tản Viên và lựa chọn những người Mường có uy tín, kinh nghiệm để cùng tham gia phối hợp trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo...

Ngày hội năm nay có các hoạt động đáng chú ý như thi biểu diễn cồng chiêng; thi giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc Mường dưới hình thức sân khấu hóa; thi nấu ăn, đặc biệt là các món ăn truyền thống của người Mường; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, bịt mắt bắt vịt, đập niêu đất... Khoảng 500 người Mường và đông đảo bà con người Kinh trên địa bàn đã tham gia ngày hội, tạo nên bầu không khí vui tươi, đáng nhớ.

Phần thi nói tiếng Mường, tìm hiểu văn hóa Mường của các đội diễn ra rất thành công. Thí sinh ở các thôn gây bất ngờ về sự hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa Mường như tiếng nói, trang phục, ẩm thực, văn nghệ, nhà ở... Trang phục của dân tộc Mường có hình dáng và đặc điểm thẩm mỹ riêng. Đơn cử như trang phục của nam giới có áo cổ tròn hở ngực, cài cúc vai, áo có hai túi dưới hoặc túi phụ bên ngực trái, quần ống rộng; ngoài ra, người nam có thể đội khăn trắng, giữa bụng cũng buộc thêm khăn.

Các món ăn của người Mường là một thế giới phong phú, đậm chất riêng có với những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như măng tre, rau rừng, lá ngũ sắc, gà, vịt, gạo nếp... Một số món ăn đặc trưng là gà nấu măng chua, thịt trâu nấu lá lốt, cá nướng, cơm lam, và đặc biệt là thịt muối chua... Thí sinh cũng tìm hiểu văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc Mường - đến nay còn lưu truyền một số bài thơ dài, bài mo, truyện cổ và dân ca, rất đáng để tìm hiểu.

Ngoài phần thi kiến thức, phần thi diễn xướng chiêng cũng đem lại những cảm xúc thú vị. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, xã Minh Quang đã cơ bản trang bị đủ dàn cồng chiêng cho các thôn. Từ khi có dàn chiêng, các thôn đều thành lập đội chiêng riêng để tập luyện và biểu diễn. Tại ngày hội, các tiết mục dự thi đã thể hiện sự nhuần nhuyễn, âm thanh cồng chiêng như tiếng vọng của núi rừng, sông suối, hòa quyện với nhịp sống của người dân bản Mường.

Phần thi ẩm thực không chỉ giới thiệu tài nghệ của các chị, các mẹ mà còn tạo ra bầu không khí ấm áp của gia đình; người đến xem và cổ vũ đều được thưởng thức hương vị các món ăn, cùng nhau chia sẻ cảm xúc sau những ngày lao động vất vả.

Khó khăn trong bảo tồn bản sắc dân tộc Mường

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Mạnh Thước cho biết, hiện trên địa bàn xã Minh Quang có khoảng 41% dân số là người Mường, việc bảo tồn bản sắc văn hóa Mường đòi hỏi sự chung sức của Nhà nước, chính quyền địa phương và bà con. Trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường thì tiếng nói, trang phục, cồng chiêng và ẩm thực là những ưu tiên hàng đầu.

Ông Đinh Văn Cương, Trưởng thôn Víp cho biết “Thôn Víp hiện có 75% dân số biết nói tiếng Mường, trong đó 40% nói thường xuyên". Tuy nhiên, việc duy trì giao tiếp thường xuyên bằng tiếng dân tộc là một vấn đề không đơn giản.

Cháu Đinh Ngọc Tuấn ở thôn Víp chia sẻ: “Gia đình cháu thường xuyên giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày bằng tiếng Mường, vì vậy mà cháu có thể nói tiếng dân tộc mình. Nhưng khi đi học thì việc giao tiếp bằng Mường cũng rất hạn chế, các chương trình ngoại khóa dành cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc Mường cũng chưa được quan tâm thường xuyên”.

Ngoài tiếng nói, bản sắc dân tộc Mường được thể hiện qua trang phục riêng, nhưng theo nhiều người cao niên ở các bản Mường thì trang phục truyền thống giờ đã bị mai một. Bà Đinh Thị Thanh (thôn Đầm Sản) cho hay: “Thế hệ chúng tôi còn quay tơ, dệt vải, tự may quần áo. Khi đi lấy chồng, bố mẹ cũng tặng thêm vài bộ. Nhưng hiện nay, chỉ đến dịp lễ, tết, ngày hội ở thôn, xóm thì chúng tôi mới vận những bộ áo, váy này”.

Về giữ nét văn hóa cồng chiêng thì trong xu thế phát triển kinh tế thị trường, việc thu hút thế hệ trẻ vào đội cồng chiêng cũng có những hạn chế nhất định. Anh Nguyễn Văn Thanh (thôn Lặt) cho biết: “Ở đội cồng chiêng thôn Lặt hiện nay, người trẻ thì cũng đã 30 - 40 tuổi, còn đa số là người có tuổi cao hơn. Việc thu hút người trẻ bị hạn chế do họ bận công việc, học hành...”.

Đòi hỏi sự cố gắng từ nhiều phía

Theo ông Bùi Huy Giáp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ huyện Ba Vì, từ năm 2020 đến nay, phòng đã tham mưu cho UBND huyện về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Hằng năm, phòng chủ động tổ chức tập huấn về bảo tồn, cách đánh cồng chiêng. Các đội hát, múa, cồng chiêng ở các xã miền núi được tạo điều kiện tham gia các chương trình, sự kiện lớn của huyện để quảng bá về văn hóa dân tộc Mường.

Bên cạnh đó, phòng phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì tổ chức sản xuất mỗi tuần 1 chương trình phát thanh về tiếng Mường để phát trên hệ thống truyền thanh 7 xã miền núi. “Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Mường, UBND huyện đang tiếp tục bố trí nguồn lực, động viên cộng đồng người Mường cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa Mường” - ông Giáp nói.

Về nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa Mường, anh Nguyễn Mạnh Tuân, Trưởng thôn Đầm Sản chia sẻ: “Thôn Đầm Sản đã tổ chức lớp dạy tiếng Mường. Những người hiểu và nói tiếng Mường tốt tham gia truyền dạy ngôn ngữ dân tộc cho các cháu nhỏ. Hiện nay, lớp ở thôn có 35 cháu, mỗi tuần học khoảng 3 - 4 buổi. Hiệu quả tốt, các cháu rất yêu tiếng dân tộc mình”.

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Mạnh Thước khẳng định: “Để bảo tồn bản sắc văn hóa Mường thì cần thường xuyên tổ chức hội nghị ở thôn để tuyên truyền về tiếng Mường, bản sắc văn hóa Mường đến nhân dân. Các trường học nên có tiết học hằng tuần để giới thiệu, tuyên truyền về bảo tồn văn hóa Mường. Huyện Ba Vì quan tâm nhiều hơn để công tác này được duy trì, phát huy hiệu quả. Ngoài ra, rất cần phát huy tinh thần trách nhiệm của những già làng, trưởng bản người Mường trong việc này”.

Có thể thấy, việc tổ chức "Ngày hội bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc" ở xã Minh Quang là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn bản sắc văn hóa người Mường ở đây. Tuy nhiên, để văn hóa Mường được gìn giữ một cách bền vững, được phát huy tốt hơn nữa thì các xã, thôn ở Ba Vì cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, có kế hoạch hoạt động cụ thể, sát với thực tế; phải gắn công tác bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch khám phá văn hóa Mường, tạo thêm sinh kế cho người dân.