Khẳng định tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược
Ngày 24-5-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Kết luận ghi nhận một bước thành công rất quan trọng của Hà Nội trong xây dựng quy hoạch chiến lược, định hình không gian phát triển trong những thập kỷ tới. Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng cho Hà Nội cùng các bộ, ngành phối hợp tổ chức công tác chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai ngay trong năm nay.
1. Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế. Với vị trí, vai trò đặc biệt, Hà Nội luôn được đồng bào cả nước cũng như Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo và đặt kỳ vọng rất lớn vào sự phát triển. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, Hà Nội đã sớm xây dựng quy hoạch làm cơ sở triển khai đầu tư, phát triển Thủ đô. Từ năm 1954 đến nay, thành phố có 7 lần thay đổi quy hoạch, 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính. Thế nhưng, quy hoạch vẫn còn là mặt hạn chế của Thủ đô, đòi hỏi phải có bước đi đột phá mới có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Ngày 5-5-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết này là Hà Nội phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ngay sau khi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện, xác định rõ nhiệm vụ cấp thiết, cấp bách phải làm ngay là 3 việc lớn: Lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thủ đô sửa đổi.
Sau quá trình triển khai nghiêm túc với quyết tâm cao, đầu năm 2024, Hà Nội đã khẳng định mục tiêu báo cáo Bộ Chính trị vào đầu tháng 5, trước khi trình Quốc hội 3 nội dung trên tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, để Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp này; cũng như nhất trí với 2 bản quy hoạch, để Chính phủ ban hành ngay trong năm nay. Ba nội dung này tuy riêng rẽ, nhưng có mối quan hệ mật thiết, bảo đảm tính khả thi cùng nhau và là cơ sở quyết định đối với tương lai phát triển của Thủ đô trong những năm tới; nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) với cơ chế đặc thù vượt trội, cho phép Hà Nội hiện thực hóa các quy hoạch này.
Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ, trong đó cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch cho thấy sự ghi nhận, đánh giá cao của Trung ương đối với kết quả lập quy hoạch của Hà Nội. Đồng thời, Bộ Chính trị lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung quan trọng để Hà Nội sớm có 2 quy hoạch với ý nghĩa to lớn này. Đây là căn cứ để thành phố và các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung các quy hoạch trước khi trình Quốc hội.
Để có 2 quy hoạch này trình Bộ Chính trị, thành phố đã tiến hành cả trăm cuộc hội thảo, tọa đàm, khảo sát, tham vấn ý kiến của các cấp, ngành, chuyên gia, địa phương trong và ngoài nước. Có thể nói là rất kỳ công. Nhưng đối với quy hoạch, nhất là quy hoạch Thủ đô - một công việc đặc biệt khó khăn, thì việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị phải được thực hiện kỹ lưỡng, tỉ mỉ mới có thể có sản phẩm quy hoạch bảo đảm chất lượng cao nhất.
2. Tám nội dung chỉ đạo mà Bộ Chính trị nhấn mạnh đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa đi vào những định hướng lớn, khái quát, vừa đề cập tới những vấn đề, lĩnh vực cụ thể; đặc biệt là có nhiều điểm nhấn, “từ khóa” rất có giá trị.
Đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan; thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia.
“Quy hoạch Thủ đô cần có "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" cả trước mắt và lâu dài. Kiên định quan điểm "con người là trung tâm của sự phát triển", "văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô"; xác định giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô...”, Kết luận số 80-KL/TƯ nêu rõ.
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong quá trình này, Hà Nội cần phải đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, mang tầm chiến lược, gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện.
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị là những lưu ý về bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề môi trường, khai thác tiềm năng về môi trường của Hà Nội. Bộ Chính trị chỉ đạo chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là tiềm năng hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch; xác định vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ, không khí..., quy hoạch các khu xử lý rác thải, chất thải rắn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả là yêu cầu cấp bách, cần tập trung, ưu tiên thực hiện. Đồng thời, Bộ Chính trị chỉ rõ yêu cầu đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển. Đặc biệt, Bộ Chính trị còn lưu ý, phải xác định khu vực dự trữ phát triển cho thế hệ tương lai.
Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị không những thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, mà còn cho thấy tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược về con đường phát triển mà Thủ đô cần tập trung bám sát, thực hiện. Đây là “kim chỉ nam” giúp Hà Nội sớm hoàn thiện 2 bản quy hoạch với chất lượng và tính khả thi cao để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy và xa hơn là đưa vào thực hiện, tiếp thêm động lực cho Thủ đô phát triển theo định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".