Văn nghệ

Nghệ sĩ nhân dân Hà Vy: "Ca hát là nghề không có tuổi nghỉ hưu"

Triệu Sơn 25/05/2024 - 14:29

Được khán giả biết đến với cả 3 vai trò: Ca sĩ hát nhạc truyền thống, nghệ sĩ ngâm thơ và giảng viên thanh nhạc, có thể nói Nghệ sĩ nhân dân Hà Vy (nguyên ca sĩ Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng) đã dành cả cuộc đời mình cho niềm đam mê âm nhạc.

Tiếng hát của bà vang vọng khắp miền biên giới, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ cả khi họ đang gian khổ chiến đấu hay ngay trong thời bình. Mới đây, ở tuổi 68, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

638516404298358397-z5452616179891_d8049f469d9f6fbc510780e76ffc2291.jpg

1. Trong buổi lễ phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) hôm ấy, nghệ sĩ Hà Vy đã không khỏi bồi hồi, xúc động. Nhớ lại quãng thời gian đã qua, bà vô cùng biết ơn các thủ trưởng, đồng nghiệp và gia đình đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để bà có thể toàn tâm với nghề. “Tôi vào lực lượng Bộ đội Biên phòng ngày 3-9-1973, từ đó đến nay luôn tự hào được là người “nghệ sĩ quân hàm xanh”. Hiện nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng trong tôi luôn mang tinh thần người lính, sẵn sàng biểu diễn, cống hiến mọi lúc, mọi nơi” - nghệ sĩ Hà Vy bộc bạch.

Miên man theo dòng cảm xúc, nghệ sĩ Hà Vy cho biết, bà chính thức đến với âm nhạc khi được NSND Lê Đóa tuyển chọn vào Đoàn Văn công Công an Nhân dân vũ trang (nay là Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng). Chuyện là khi nghệ sĩ Lê Đóa lặn lội về Hải Phòng tìm ca sĩ cho Đoàn thì bất ngờ nghe được giọng nữ đẹp, trong trẻo đang hát phục vụ hội nghị nên đã chăm chú lắng nghe và “chấm” cho Đoàn. Những ngày đầu, Hà Vy học ngâm thơ từ NSND Trần Thị Tuyết rồi học các lớp nhạc lý cơ bản từ NSND Trung Kiên, Quý Dương. “Khi được tuyển vào Đoàn, tôi chỉ biết hát theo bản năng. Bởi vậy, quãng thời gian được lĩnh hội kiến thức từ những người thầy lớn đã giúp tôi mở mang rất nhiều, đặc biệt là niềm tin vào con đường phía trước” - bà chia sẻ.

Năm 2003, dù đã là giọng hát quen thuộc với đông đảo khán giả nhưng Hà Vy vẫn quyết định theo học tại khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Bà cho rằng: “Ngoài năng khiếu bẩm sinh và kinh nghiệm thì ca sĩ cần được rèn luyện một cách chuyên nghiệp, bài bản”. Với sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng, bà thi đỗ thủ khoa đầu vào và đầu ra của khóa học ấy. Đi học khi đã ở tuổi gần 50, hơn nữa sinh viên cùng lớp đều là lứa con cháu nhưng bà không ngại ngần vì điều đó. Lúc nào bà cũng gương mẫu đi đầu, chịu khó khiến NSND Quang Thọ phải thốt lên: “Hiếm có người nào thành danh mà lại chịu khó trau dồi kiến thức âm nhạc như Hà Vy!”.

2. Là thành viên của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, dấu chân của NSND Hà Vy in khắp các vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Từ địa đầu phía Bắc đến mũi Cà Mau, từ trong đất liền ra đến quần đảo Trường Sa, bà luôn nhận được tình cảm, sự yêu mến, trân trọng của khán giả. Với đối tượng phục vụ chính là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và đồng bào dân tộc thiểu số, bà cố gắng thể hiện những ca khúc mà họ dễ dàng tiếp thu và cảm nhận, như “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới’, “Ngày mai anh lên đường”, “Hoa sim biên giới”, “Chiều biên giới”, “Hành khúc ngày và đêm”...

Nghệ sĩ Hà Vy bám sát các trận địa từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (năm 1978), đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979), hát tại các đồn, chốt biên phòng, thậm chí là nơi nguy hiểm nhất tại địa bàn biên giới thuộc các tỉnh Hà Giang, Lào Cai (năm 1979, 1983), Cao Bằng (năm 1985). Những chuyến công tác dài ngày đến với bà thường xuyên, khi thì một tuần, lúc kéo dài vài tháng. “Có lần tôi đi công tác Tây Ninh suốt 4 tháng rưỡi. Khi đó, con gái thứ hai của tôi còn chưa được 2 tuổi nên tôi phải gửi về ông bà nội. Lúc về, con gái cứ ôm lấy cổ bà nội, ngoái nhìn tấm ảnh treo trên tường rồi lại nhìn tôi vì chẳng nhận ra mẹ. Nhìn con mụn nhọt mọc đầy người vì nắng nóng, tôi xót con vô cùng, phải cố kìm nén để không rơi nước mắt” - nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Mỗi chuyến đi biểu diễn là một kỷ niệm nhưng có lẽ kỷ niệm mà Hà Vy có ấn tượng sâu đậm nhất là chuyến biểu diễn tại quần đảo Trường Sa vào năm 1989 cùng với nghệ sĩ Ngọc Lan, nghệ sĩ Thanh Xuân. Đây cũng là 3 nữ nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng đến với quần đảo Trường Sa. Năm đó, đoàn nghệ sĩ đi đến 5 đảo của quần đảo Trường Sa. Trên đường đi, các nghệ sĩ không may gặp trận bão lớn, tưởng không thể trở về đất liền được, nhưng rồi cuối cùng tinh thần người lính cùng với sự may mắn đã giúp họ vượt qua tất cả. “Trường Sa năm đó chưa có nhiều nước ngọt. Mỗi sáng cán bộ, chiến sĩ và cả những nghệ sĩ trong đoàn chỉ có một bát nước để vừa đánh răng vừa rửa mặt, còn tắm thì phải đợi trời mưa. Phải nói rằng, những năm đó Trường Sa rất thiếu “hơi người" nên khi được các đoàn văn công đến sẻ chia, các chiến sĩ thực sự cảm động, họ quyến luyến chúng tôi mãi không muốn rời xa. Thông qua một số bạn bè, tôi biết Trường Sa hôm nay đã có rất nhiều đổi mới và tôi ước được lần thứ 2 trở lại nơi thiêng liêng, máu thịt này” - bà mong mỏi.

3. Mới đây, trong một chương trình truyền hình, khán giả bất ngờ khi thấy cả nhà NSND Hà Vy xuất hiện, trong đó người chồng của bà cũng công tác tại Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng - nghệ sĩ trống Hoàng Bình, còn con gái của bà là MC Hoàng Trang (Đài Truyền hình Việt Nam). Hai vợ chồng nữ nghệ sĩ đã đồng hành cùng nhau trên mọi chặng đường, đi biểu diễn khắp các nẻo biên cương. Cuộc sống nhiều khó khăn nhưng họ vẫn nương tựa vào nhau để cống hiến cho nghệ thuật. Tiếng hát tha thiết, tình cảm của Hà Vy cùng tiếng trống điêu luyện của Hoàng Bình đã vang vọng khắp núi rừng biên cương, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc thiểu số trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Ở tuổi xấp xỉ 70, NSND Hà Vy luôn đau đáu làm thêm điều gì đó ý nghĩa cho nghệ thuật và cho cuộc đời. Bởi thế, bà đã cùng các nghệ sĩ sáng lập Đoàn nghệ thuật truyền thống Bộ đội Biên phòng thành phố Hà Nội và có nhiều chuyến biểu diễn ý nghĩa khắp mọi miền Tổ quốc. Bà bảo, ca hát là nghề không có tuổi nghỉ hưu, khi ngừng cống hiến tức là giọng hát ấy đã không còn...

NSND Hà Vy (tên đầy đủ là Nguyễn Hà Vy) sinh năm 1956, tại Hải Phòng. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Hà Vy đã đạt nhiều giải thưởng như Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1985, Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1990, Huy chương Bạc Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1995. Đặc biệt, tại Cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất - năm 1988, bà đã giành giải Ba dòng nhạc dân gian dân tộc - truyền thống và giải Đặc biệt “Người hát hay nhất về đề tài Bác Hồ” với bài hát “Người Nùng nhớ Bác”. Ngoài biểu diễn, bà còn tham gia công tác đào tạo tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội...