Ngăn hỏa hoạn ở nhà trọ
Ngày 24-5, dư luận Thủ đô và cả nước bàng hoàng, đau xót trước thiệt hại nghiêm trọng trong vụ cháy xảy ra vào hồi 0h45 cùng ngày ở nhà trọ số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Theo thống kê ban đầu, vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương…
Vụ cháy ở nhà trọ số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính một lần nữa dấy lên lo ngại về sự an toàn của dạng công trình nhà cho thuê trọ. Trước đó, một số vụ cháy nhà trọ cũng đã xảy ra tại Hà Nội như vụ cháy tối 14-3-2024, ở phòng trọ tầng 3 ngôi nhà 5 tầng ở làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng khiến người dân trong khu nhà trọ hoảng loạn tháo chạy, trong đó có người đã bị thương...
Hay như vụ cháy tại phòng trọ ở ngõ 73 phố Tam Khương (phường Khương Thượng, quận Đống Đa) ngày 4-2-2021 làm 4 người thiệt mạng; vụ cháy nhà trọ tại ngõ 18 phố Định Công Thượng (phường Định Công, quận Hoàng Mai) ngày 3-1-2022 khiến 3 người thiệt mạng...
Ngay sau vụ cháy nhà trọ số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 52/CĐ-TTg (ngày 24-5-2024) chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy. Lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tập trung cứu chữa người bị thương và khắc phục hậu quả; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho các hộ dân. Sự động viên kịp thời này đã góp phần xoa dịu nỗi đau thương, mất mát của gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy, hơn bao giờ hết công tác phòng, chống cháy, nổ ở các khu nhà trọ cần được đặc biệt coi trọng.
Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế nên thu hút số lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên tới sinh sống, làm việc và học tập. Đáp ứng nhu cầu thuê trọ, hàng nghìn công trình nhà trọ đã “mọc” lên. Tuy nhiên, rất nhiều công trình không được trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, lại nằm lẫn trong khu dân cư, người dân sinh sống đông đúc, đường đi nhỏ hẹp nên mỗi khi xảy ra cháy nổ thường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Đáng lo ngại là ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống cháy, nổ của nhiều chủ nhà trọ rất kém. Họ đặt nặng mục tiêu kinh tế nên sẵn sàng cắt giảm chi phí đầu tư cho công tác phòng, chống cháy, nổ. Thực tế sau nhiều vụ cháy, cơ quan chức năng kiểm tra đều phát hiện không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không bảo đảm an toàn...
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, vướng mắc trên. Có thể kể ra như một số quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa theo kịp sự thay đổi, phát triển của xã hội; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan thiếu chặt chẽ, thống nhất dẫn đến tình trạng công trình nhà trọ không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; nhiều nhà ở riêng lẻ, người dân tự ý thay đổi công năng thành nhà cho thuê trọ với mật độ người đông gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Mặc dù công tác tuyên truyền đã được chú trọng nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chủ quan, lơ là trong phòng cháy, chữa cháy.
Với nhà ở, nhất là nhà trọ cho thuê, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ khi nào, nếu chúng ta không cẩn trọng, hậu quả rất thương tâm. Để ngăn ngừa, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho chủ nhà và người thuê trọ; triển khai hiệu quả những mô hình phòng cháy, chữa cháy như: Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”; mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”...
Bên cạnh đó, tất cả những khu vực tập trung đông người lao động, công nhân, sinh viên, chúng ta phải có sự rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật... Về dài hạn, chúng ta phải có hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, trong đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để giảm dần nhà thuê trọ tự phát như hiện nay.
Hỏa hoạn, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa; chủ nhà, người thuê trọ, người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy thì chắc chắn sẽ không còn những vụ cháy đau lòng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như ở nhà trọ số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính.