Thế giới

Mỹ và châu Âu chia rẽ về việc đối đầu với Iran tại IAEA

Kim Phượng 24/05/2024 - 20:00

Mỹ và ba đồng minh hàng đầu ở châu Âu đang bị chia rẽ về việc có nên đối đầu với Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) hay không bằng cách tìm kiếm một giải pháp chống lại Tehran, Reuters dẫn lời quan chức ngoại giao châu Âu cho biết ngày 24-5.

co.jpg
Lá cờ Iran bên ngoài trụ sở IAEA ở Vienna, Áo. Ảnh: Reuters

Đã 18 tháng kể từ khi Hội đồng Thống đốc gồm 35 quốc gia của IAEA thông qua nghị quyết cuối cùng chống lại Iran, yêu cầu nước này hợp tác khẩn cấp với cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về hạt uranium được tìm thấy tại 3 địa điểm không được công bố tại Cộng hòa Hồi giáo này. Trong khi số lượng địa điểm được đề cập đã được thu hẹp xuống còn 2, Iran vẫn chưa giải thích được dấu vết hạt uranium. Cùng với đó các vấn đề khác ở Iran đã gia tăng, bao gồm cả việc Tehran cấm nhiều chuyên gia hàng đầu của IAEA tham gia nhóm thanh tra.

Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết: “Việc này rất khó khăn với Iran và mức độ vi phạm là chưa từng có. Chương trình của nước này không hề bị chậm lại và Iran không có thiện chí thực sự trong việc hợp tác với IAEA”.

Mối lo ngại về các hoạt động nguyên tử của Iran đã tăng cao trong thời gian qua. Tehran đã làm giàu uranium tới độ tinh khiết 60%, thấp hơn mức cần thiết 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân. Song theo thước đo của IAEA, quốc gia này có đủ nguyên liệu để làm giàu uranium đến mức đó và có thể chế tạo được 3 quả bom hạt nhân .

Các cường quốc phương Tây cho rằng, không có mục đích năng lượng dân sự nào trong việc làm giàu uranium ở mức cao như vậy, theo IAEA chưa có quốc gia nào làm như vậy mà không chế tạo vũ khí hạt nhân, dù Iran luôn khẳng định mục tiêu của nước này là hoàn toàn hòa bình. Tuy nhiên, gần đây Mỹ không muốn tìm kiếm một giải pháp khác chống lại Iran tại các cuộc họp hội đồng IAEA. Vào tháng 3, các cường quốc châu Âu gồm Pháp, Anh và Đức - được gọi là "E3" đã bất đồng với Washington về việc có nên tìm kiếm một giải pháp chống lại Iran hay không nhưng sau đó lại lùi bước.

Giới chức Mỹ thường viện dẫn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới là nguyên nhân khiến chính quyền ông Biden tỏ ra miễn cưỡng. Nhưng lập luận chính mà các quan chức Mỹ đưa ra là tránh tạo cho Iran một cái cớ để đáp trả bằng cách leo thang các hoạt động hạt nhân, như nước này đã từng làm trong quá khứ.

Trung Đông đang gia tăng căng thẳng khi Israel tiếp tục chiến dịch quân sự ở Gaza để đáp trả cuộc tấn công ngày 7-1-2023 của Hamas. Israel và Iran đã tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp vào nhau lần đầu tiên hồi tháng trước và Tel Aviv đã nhiều lần đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Cái chết của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng hôm 19-5 đã khiến tình hình trở nên phức tạp. Trong các cuộc đàm phán nhằm cải thiện sự hợp tác của Iran với IAEA vừa kết thúc, Tehran cho biết họ sẽ không tham gia vào cơ quan này cho đến khi người kế nhiệm ông Raisi được bầu vào ngày 28-6.

Hiện, chưa rõ khi nào các nước phương Tây sẽ đưa ra quyết định về việc có nên tìm kiếm một giải pháp hay không. Các báo cáo hàng quý tiếp theo của IAEA về Iran sẽ được công bố vào đầu tuần tới. Dự thảo nghị quyết có xu hướng đề cập đến kết quả của các báo cáo đó.