Hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân
Nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ngày 30-11-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030” (Chỉ thị số 09-CT/TU). Sau gần 3 năm thực thi, việc thực hiện mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều điều trăn trở.
Những kết quả tích cực
Tại thời điểm cuối năm 2021, Thành ủy Hà Nội đánh giá, bức tranh an sinh ở Thủ đô có nhiều gam màu sáng, được minh chứng bằng những con số “biết nói”. Nổi bật là Hà Nội có tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc thuộc nhóm cao nhất cả nước với hơn 37% dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, số đông lao động trong độ tuổi trên địa bàn thành phố chưa có tên trên hệ thống BHXH, vừa ảnh hưởng đến sự phát triển vững chắc của hệ thống an sinh, vừa là sự thiệt thòi cho từng người lao động.
Góp phần mở rộng “tấm lưới” an sinh đến với nhóm lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp và những công việc tự do, ngày 30-11-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, yêu cầu các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở triển khai linh hoạt, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm gia tăng số người tham gia, tập trung phát triển những mô hình điểm về BHXH tự nguyện...
Theo đó, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều mô hình điểm, cách làm hay về phát triển BHXH tự nguyện. Nổi bật là mô hình truyền thông nhóm nhỏ giữa cán bộ tư vấn và người dân. Với mô hình này, các lực lượng chức năng gặp gỡ người dân và tiến hành tư vấn theo nhóm nhỏ hoặc tư vấn 1-1 trực tiếp tại chợ dân sinh, tại nhà văn hóa của khu dân cư, tổ dân phố. Mô hình khác phát huy hiệu quả là mỗi quận, huyện, thị xã chọn một xã, phường, thị trấn làm điểm về phát triển BHXH tự nguyện với lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt là những cán bộ có uy tín tại cộng đồng.
Ngoài ra, Hà Nội còn có mô hình tổ, hội tiết kiệm (tổ phụ nữ, hội phụ nữ, hội nông dân...) do các hội viên tự đóng góp, tích lũy tiền thông qua những việc làm hữu ích (nuôi lợn tiết kiệm, thu gom phế liệu mang bán gây quỹ...) để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHXH tự nguyện...
Trên phạm vi rộng hơn, từ tháng 7-2022 đến hết tháng 12-2025, công dân Thủ đô tham gia BHXH tự nguyện được thành phố Hà Nội hỗ trợ mức đóng cao gấp 2 lần so với quy định chung của Chính phủ. Đây là chính sách hỗ trợ đặc thù, thể hiện sự quan tâm của thành phố đến mọi mặt đời sống của nhân dân, nên phát huy hiệu quả tích cực. Đến hết tháng 4-2024, toàn thành phố có hơn 84.000 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng 24% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Giúp người dân có điểm tựa an sinh vững chắc
Những kết quả đạt được về công tác BHXH tự nguyện theo Chỉ thị số 09-CT/TU là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, so với lực lượng hàng triệu lao động làm công việc tự do trên địa bàn Hà Nội, thì số người có tên trên hệ thống an sinh còn thấp so với tiềm năng; đồng thời còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH tới ít nhất 50% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có 3% tham gia BHXH tự nguyện) vào cuối năm 2025 do Thành ủy Hà Nội đề ra tại nhiều chương trình, nghị quyết khác về an sinh xã hội.
Phân tích nguyên nhân, các cơ quan chức năng chỉ rõ, hiện nay, nhiều người lao động đi làm xa hoặc làm việc theo thời gian không cố định, nên không dễ tiếp cận để tuyên truyền, vận động họ tham gia chính sách. Đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, họ cần được hỗ trợ phần lớn hoặc toàn bộ mức đóng trong thời gian dài, thậm chí cả quá trình tham gia. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ hiện nay mới theo giai đoạn, nên một số người dù muốn cũng chưa đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Lý do khác là, việc thiết kế chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn khi quy định số năm đóng quá dài (20 năm), lại thiếu các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản...), khiến người dân chưa thấy rõ lợi ích, nên chưa mặn mà tham gia. Hơn nữa, những năm gần đây, việc phát triển kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, thu nhập của nhiều lao động, nhất là với những người làm công việc tự do, khiến nhiều người phải lo nỗi lo “cơm áo” trước khi trang bị điểm tựa an sinh cho bản thân, người thân...
Cộng hưởng nhiều yếu tố, việc thực hiện mục tiêu mở rộng, phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, qua đó góp phần củng cố vững chắc hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô vẫn là nỗi niềm trăn trở của các cơ quan chức năng và mỗi người dân.
Chủ động biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, năm 2024, cấp ủy, chính quyền tất cả các địa phương trên địa bàn thành phố đưa tiêu chí phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện vào các chương trình, nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Kết quả thực hiện tiêu chí này là căn cứ để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân, đồng thời là tiêu chí xét các danh hiệu thi đua...
Dưới góc độ thực hiện chính sách, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả những mô hình điểm về BHXH tự nguyện theo tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TU; đồng thời tìm cách đưa chính sách vào đời sống bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Bất cứ nơi nào tập trung đông người lao động làm những công việc tự do, từ chợ dân sinh, khu vực công cộng, cho đến các phiên giao dịch việc làm, tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng..., ngành BHXH đều bố trí lực lượng đến tư vấn về tính ưu việt, nhân văn của chính sách.
Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn, mục tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, giúp mỗi người có điểm tựa an sinh vững chắc trong những năm tháng tuổi già luôn là mối quan tâm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân ở Thủ đô.