Thế giới

Hàn Quốc, Nhật Bản công bố các lệnh trừng phạt đối với cáo buộc buôn bán vũ khí Nga - Triều

Kim Phượng 24/05/2024 - 11:59

Theo Reuters, ngày 24-5, Hàn Quốc và Nhật Bản đã công bố một loạt lệnh trừng phạt áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức và tàu liên quan đến cáo buộc Nga mua vũ khí từ Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

trung-phat.png
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dẫn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đi tham quan một cuộc triển lãm vũ khí ở Bình Nhưỡng ngày 26-7-2023. Ảnh: KCNA

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với 7 cá nhân Triều Tiên và 2 tàu Nga vì buôn bán vũ khí và các hoạt động khác giữa Bình Nhưỡng và Mátxcơva.

Bộ này cho biết trong một tuyên bố rằng các tàu Nga đã chở một số lượng hàng hóa lớn giữa Nga và Triều Tiên để vận chuyển vật tư quân sự, vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Mỹ và Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Mátxcơva và Bình Nhưỡng đã phủ nhận những cáo buộc này nhưng năm ngoái hai nước đã cam kết sẽ tăng cường quan hệ quân sự.

Nhật Bản cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với 11 tổ chức và một cá nhân của Triều Tiên, trong đó có những tổ chức mà Tokyo cho là liên quan đến hợp tác quân sự nhằm hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi phát biểu trong một cuộc họp báo: “Việc Nga mua vũ khí từ Triều Tiên vi phạm các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc cấm hoàn toàn việc chuyển giao vũ khí và các vật liệu liên quan đến và đi từ Triều Tiên”.

Tháng trước, Nga đã mô tả các lệnh trừng phạt của Hàn Quốc đối với các cá nhân và thực thể Nga là một "động thái không thân thiện" và cảnh báo Mátxcơva sẽ đáp trả vào thời điểm thích hợp.

Triều Tiên đã phải chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc vì các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2006, và các biện pháp này đã tăng cường trong những năm qua.

Đầu năm nay, nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc giám sát các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên đã không được gia hạn quyền ủy nhiệm sau khi Mátxcơva phủ quyết, khiến Mỹ và các đồng minh phải tìm kiếm giải pháp thay thế.