Đôn đốc trả lời dứt điểm kiến nghị của cử tri còn tồn đọng
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành rà soát, quyết liệt để hoàn thành giải quyết trong thời gian sớm, đồng thời bảo đảm chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, đặc biệt xác định công việc, lộ trình giải quyết đối với 43 kiến nghị...
Chiều 23-5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Nhiều vấn đề cần giải quyết thỏa đáng
Nêu ý kiến thảo luận, hầu hết đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quan tâm xem xét, giải quyết đạt gần 100% kiến nghị của cử tri.
18 đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu các vấn đề cử tri quan tâm. Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho biết, nhiều ý kiến kiến nghị, khi triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với ngành Giáo dục tới đây, cần thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương; lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính, sự nghiệp.
Một số báo mạng có đưa thông tin về bản dự thảo tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới… Nhiều cử tri ngành Giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo… - đại biểu nêu.
Cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo sẽ lấy từ nguồn ngân sách hay từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập? Nếu lấy từ nguồn thu của các đơn vị ngành Y tế, Giáo dục sẽ tạo gánh nặng cho các đơn vị và cũng là gánh nặng với người bệnh, người học khi tính đúng, tính đủ các chi phí.
Do đó, cử tri kiến nghị, trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ có thông tin để đối tượng hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn. Ngoài ra, cần tính toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập...
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) nêu, cử tri Hà Nội rất mong muốn tăng tỷ lệ trả lời kiến nghị có phương án giải quyết triệt để. Nếu trong trường hợp không giải quyết được triệt để, cần cho biết rõ thời gian, phương án giải quyết?
Lấy ví dụ vấn đề liên quan hành lang thoát lũ sông Đáy, đại biểu Phạm Đức Ấn cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri (ở quận Hà Đông, địa bàn các phường: Yên Nghĩa, Biên Giang, Đồng Mai), bất cập liên quan Quyết định số 1821/QĐ-TTg ban hành năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy lại được cử tri phản ánh.
Theo quyết định này, hộ nằm trong hành lang thoát lũ không được xây mới. Tuy nhiên, thực tế sau 10 năm, nhiều gia đình có thêm thành viên mà nhà vẫn chỉ vài chục mét vuông, sinh hoạt bất tiện, từ đó sinh ra nhiều bức xúc… Đại biểu đề nghị có phương án giải quyết thỏa đáng, triệt để cho vấn đề này.
Công khai kết quả giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, những ý kiến liên quan trách nhiệm của các bộ, ngành đã được các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết. Trong thời gian tới, Ban Dân nguyện sẽ tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện.
Đối với các kiến nghị còn tồn đọng, kiến nghị được đông đảo cử tri có ý kiến qua nhiều kỳ họp, Ban Dân nguyện sẽ tiếp thu, và tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát, đôn đốc trả lời dứt điểm, đồng thời công khai kết quả giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng trả lời, giải quyết, từng bước đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Đối với 6 kiến nghị chưa được trả lời tại kỳ họp thứ bảy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản trả lời và giải quyết.
Bên cạnh đó, còn 704 kiến nghị từ các kỳ họp trước chưa được giải quyết dứt điểm, chậm giải quyết; nhiều kiến nghị chưa bảo đảm được lộ trình giải quyết mà cơ quan chủ quản đề ra; trả lời mới dừng lại ở việc cung cấp thông tin, viện dẫn văn bản, giải thích chính sách chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị. Do đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành rà soát và có giải pháp quyết liệt để hoàn thành giải quyết trong thời gian sớm, đồng thời phải bảo đảm chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, đặc biệt là xác định công việc, lộ trình giải quyết đối với 43 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết.