Hai tuần thu phí vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh: Hộ kinh doanh mừng, người đi bộ an toàn
Sau 2 tuần thí điểm thu phí vỉa hè tại 11 tuyến đường trên địa bàn quận 1 (TP Hồ Chí Minh), các hoạt động kinh doanh, buôn bán từng bước đi vào quy củ, nền nếp.
Yên tâm làm ăn, người đi bộ an toàn
Ghi nhận trong 2 ngày 22 và 23-5 tại vỉa hè của 11 tuyến đường quận 1 triển khai thí điểm thu phí để làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, nhìn chung bộ mặt trật tự, mỹ quan đô thị đã có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, các hoạt động kinh doanh bày trí hàng hóa, bàn ghế trên vỉa hè đã ngăn nắp hơn; phần vỉa hè dành cho người đi bộ đã được hình thành rõ ràng, không còn tình trạng người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường như trước.
Giờ đây, người dân và du khách có thể thoải mái di chuyển mà không bị các cửa hàng kinh doanh buôn bán, quán ăn, quầy hàng rong, hay xe cộ đậu tràn lan chiếm hết vỉa hè.
“Chúng tôi ngồi uống cà phê thoải mái tán gẫu, nói chuyện, còn khi đi bộ trên vỉa hè cũng trở nên dễ dàng, không còn tâm lý bất an khi phải xuống lòng đường để đi”, anh Phạm Đình Tuân (nhân viên văn phòng tại một cao ốc trên đường Lê Thánh Tôn) phấn khởi nói.
Tương tự, tại các tuyến đường khác cũng đang thay đổi từng ngày trong việc đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị.
Làm nghề trông giữ xe trên đường Phan Chu Trinh (khu vực chợ Bến Thành) đã 25 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Cường chia sẻ, giờ đây cảm thấy an tâm, thoải mái giữ xe cho khách mà không còn lo sợ vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường.
Còn bà Kim Phương, kinh doanh tạp hóa trên đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé) đã 30 năm qua cho hay, gia đình bà đã đăng ký thuê khoảng 13m2 vỉa hè, bao gồm chiều sâu 6,5m và chiều rộng 2m để kinh doanh theo đúng quy định.
“Sau khi thuê vỉa hè, chúng tôi yên tâm làm ăn. Không những vậy, việc bày bán cũng phải ngăn nắp, không còn tâm lý lo lắng bị xử phạt vì lấn chiếm, bày bán không đúng nơi quy định như trước. Tôi rất ủng hộ việc thu phí vỉa hè này”, bà Phương thổ lộ.
Cũng tại các quán ăn, quán cà phê trên đường Lê Thánh Tôn (con đường có nhiều hộ đăng ký sử dụng một phần vỉa hè đông nhất hiện tại), người dân lẫn du khách thoải mái ngồi ở vỉa hè trò chuyện, bàn ghế được kê ngăn nắp trong vạch kẻ phạm vi sử dụng.
Đăng ký thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của chủ nhà
Việc đăng ký sử dụng vỉa hè đang áp dụng đối với những chủ hộ chính thức của căn nhà hoặc người đã đăng ký thuê nhà. Đối với những người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, khi muốn sử dụng vỉa hè phải được chủ hộ căn nhà đứng ra thuê. Việc này nhằm thuận lợi trong công tác quản lý, cũng như đảm bảo quyền lợi của chủ nhà.
Theo Phòng Quản lý đô thị quận 1, tính đến nay có 177 trường hợp đăng ký sử dụng tạm thời một phần vỉa hè. Trong đó có 47 trường hợp đã đóng phí với tổng số tiền thu được hơn 230 triệu đồng.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1 Nguyễn Thành Phát cho biết, quá trình triển khai thí điểm được người dân ủng hộ do việc đóng phí, mức phí được thực hiện theo quy định. Bên cạnh đó, việc đăng ký sử dụng tạm một phần hè phố qua phần mềm rất thuận tiện, minh bạch nên người dân được chủ động hơn trong việc bố trí bàn ghế, mô hình, phương án kinh doanh trên hè phố.
Mặt khác, giúp đánh giá được thực tế sử dụng của các phường và số tiền thu được, cũng như tính khả thi, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng thông minh, tiến tới việc đưa vào triển khai thu phí vỉa hè diện rộng trên địa bàn.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận đăng ký thuê vỉa hè qua phần mềm. Quận 1 sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được thông tin, lập đoàn kiểm tra, sơ kết, đánh giá để triển khai sâu rộng trên địa bàn.
11 tuyến đường đang áp dụng thí điểm thu phí vỉa hè tại quận 1 trong thời gian từ ngày 9-5 đến 30-9 gồm: Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành); Hoàng Sa (phường Tân Định); Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); Hải Triều, Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình); Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho); Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh); Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).