Thế giới

Tổng thống Pháp tới vùng bạo loạn New Caledonia: Ưu tiên lớn nhất là ổn định tình hình

Quỳnh Dương 23/05/2024 - 10:09

Ngày 23-5, trả lời báo chí sau khi hạ cánh xuống New Caledonia - vùng lãnh thổ của Pháp tại Thái Bình Dương - vốn đang xảy ra bạo loạn gần 1 tuần qua, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định mong muốn của chính phủ là chứng kiến hòa bình, ổn định và vãn hồi trật tự càng sớm càng tốt.

1(2).jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời báo chí ngay sau khi xuống sân bay La Tontouta. Ảnh: France24.

Tại sân bay Quốc tế La Tontouta, cách thủ phủ Noumea của New Caledonia khoảng 50 km, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông sẽ thảo luận về các nguồn lực cần thiết để khắc phục thiệt hại do các vụ xả súng, đốt phá và bạo lực khác gây ra trong nhiều ngày, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm triệu euro.

“Chúng tôi sẽ thảo luận các vấn đề về tái thiết kinh tế, hỗ trợ và phản ứng nhanh chóng cũng như giải đáp các câu hỏi chính trị tế nhị nhất khi nói về tương lai của New Caledonia. Đến cuối ngày, các quyết định và thông báo sẽ được đưa ra”, Tổng thống Pháp cho biết thêm.

Khi được phóng viên hỏi liệu ông có nghĩ chuyến thăm 12 giờ là đủ hay không, Tổng thống Emmanuel Macron trả lời: “Chúng ta sẽ xem. Tôi không có giới hạn”.

Khi khai mạc cuộc họp với các lãnh đạo địa phương, ông Tổng thống Emmanuel Macron đã dành một phút mặc niệm những người đã thiệt mạng trong tình trạng bất ổn trước khi đề cập đến các bước mà chính phủ dự định thực hiện.

3.000 nhân viên an ninh Pháp đã được triển khai tới New Caledonia và sẽ ở lại qua Thế vận hội Paris được tổ chức vào tháng 7 tới nếu cần thiết.

Tổng thống Pháp hy vọng một cuộc đối thoại cởi mở sẽ làm giảm căng thẳng và đưa ra một giải pháp hướng tới tôn trọng việc ủng hộ New Caledonia vẫn là một phần của Pháp như kết quả cuộc trưng câu dân ý vừa được tổ chức.

Bạo lực bùng phát tại New Caledonia từ ngày 13-5 khi cơ quan lập pháp Pháp tranh luận về việc sửa đổi Hiến pháp nhằm thay đổi danh sách cử tri New Caledonia. Quốc hội đã thông qua một dự luật, cùng với những thay đổi khác, sẽ cho phép cư dân đã sống ở New Caledonia ít nhất 10 năm được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh.

Những người phản đối lo ngại, biện pháp này sẽ mang lại lợi ích cho các chính trị gia thân Pháp ở New Caledonia và tiếp tục đẩy người dân tộc thiểu số Kanak ra ngoài lề. Đây là những người từng phải chịu các chính sách phân biệt đối xử nhiều năm trước.