Điểm nóng

Mỹ đàm phán với Israel về việc sử dụng vũ khí

Kim Phượng 23/05/2024 - 07:05

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn lo ngại về việc Israel có thể sử dụng bom hạng nặng nhằm vào dân thường ở thành phố Rafah, phía Nam Gaza và đang liên hệ với Israel về vấn đề này, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

pha-huy.png
Những ngôi nhà bị phá hủy trong một cuộc tấn công của Israel, ở Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, ngày 22 – 5. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Mỹ đang xem xét việc cung cấp vũ khí mà Israel có thể sử dụng cho một cuộc tấn công lớn vào thành phố Rafah, nơi ẩn náu của hơn 1 triệu dân thường.

"Chúng tôi đang thảo luận với Israel về vấn đề này và chia sẻ những lo ngại của Mỹ về việc sử dụng những loại vũ khí cụ thể ở một địa điểm cụ thể ", Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong một phiên điều trần tại Hạ viện. Israel nhận viện trợ quân sự lớn của Mỹ trong nhiều thập kỷ và sắp nhận được hàng tỷ USD vũ khí của Washington.

“Sự hỗ trợ khác mà chúng tôi cung cấp cho quốc phòng của Israel vẫn tiếp tục và sẽ tiếp tục bởi vì, Tổng thống xác định rằng Tel Aviv cần để tự vệ”, ông Antony Blinken nhận định.

Tại phiên điều trần, nhà ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Ai Cập làm mọi thứ có thể để đảm bảo viện trợ nhân đạo tiếp tục được đưa vào Gaza. Theo ông Antony Blinken, cửa khẩu Rafah vẫn bị đóng cửa sau khi quân đội Israel chiếm giữ vào ngày 7 - 5.

Giao tranh khiến việc cung cấp hỗ trợ trở nên khó khăn, nhưng viện trợ vẫn có thể được thực hiện. "Vì vậy, chúng tôi cần tìm cách đảm bảo rằng sự hỗ trợ đi qua Rafah có thể được thực hiện một cách an toàn và chúng tôi kêu gọi các đối tác Ai Cập làm mọi thứ có thể trong khả năng để đảm bảo rằng sự hỗ trợ đó được thực hiện”, ông Antony Blinken nêu rõ.

Các nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết Cairo phản đối sự hiện diện của Israel tại cửa khẩu Rafah và muốn nước này rút lui. Theo Ngoại trưởng Ai Cập, sự hiện diện và hoạt động của quân đội Israel khiến các tài xế xe tải gặp nguy hiểm, dẫn đến việc ngừng viện trợ qua biên giới.

Cùng ngày, Ba Lan cho biết nước này ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc khủng hoảng Trung Đông giữa Israel và người Palestine, sau khi Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy đồng loạt tuyên bố sẽ công nhận một nhà nước Palestine vào ngày 28-5. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói: “Chúng tôi sẽ ủng hộ những nỗ lực của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia tin rằng cần có một giải pháp ổn định, lâu dài nào đó. Giải pháp ổn định, lâu dài như vậy sẽ là sự tồn tại của hai quốc gia”.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Ba Lan, nước này đã công nhận Nhà nước Palestine vào năm 1988.