An toàn thực phẩm

Thị xã Sơn Tây duy trì các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh 22/05/2024 - 14:08

Thị xã Sơn Tây duy trì bảo đảm an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại hai phố: Đinh Tiên Hoàng (phường Ngô Quyền), Phú Hà (phường Phú Thịnh). Tại đây, các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện bảo đảm các biện pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm…

Ngay từ đầu năm 2024, để thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, thị xã Sơn Tây đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm trong nhân dân. Đặc biệt, thị xã duy trì tốt các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại các khu đô thị, tuyến phố văn minh… do đó, trên địa bàn không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

cho-son-tay(1).jpg
Các ngành chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ nông sản thị xã Sơn Tây (Ảnh: Hương Giang)

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các tuyến phố

Thời gian qua, để kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn, thị xã đã duy trì tốt các mô hình hay, như: Mô hình “Khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm” tại Khu đô thị HUD - phường Trung Hưng; mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 9 phường; mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố tại 15 xã, phường.

Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn cho biết, bên cạnh thực hiện mô hình khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, thị xã cũng duy trì bảo đảm an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại hai tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng (phường Ngô Quyền), Phú Hà (phường Phú Thịnh).

Tại đây, các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện bảo đảm biện pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thực hiện 3 không: Không sản xuất không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm…

Thông qua mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tăng lên; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở được cải thiện; vai trò quản lý của các cấp chính quyền được nâng cao.

Chị Trần Thị Thanh Nga (thị xã Sơn Tây) cho biết, việc thị xã triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm đã tạo địa chỉ an toàn cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, nét đẹp của tuyến phố đối với khách hàng.

Bên cạnh đó, thị xã cũng duy trì tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát trên địa bàn cũng như kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người tại 15 xã, phường...

Ngoài duy trì các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2024 đến nay, thị xã và các xã, phường đã kiểm tra 382 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt 197 triệu đồng.

Đồng bộ biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn còn khó khăn do các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thị xã đa số quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định, như: VietGAP, GMP, HACCP, ISO 22000...

Một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt, thực hiện hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã chưa có cơ sở giết mổ tập trung, diện tích vùng trồng rau an toàn còn nhỏ nên đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, việc lựa chọn mua thực phẩm và truy xuất nguồn gốc còn khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn thiếu về số lượng và kinh nghiệm công tác, thường xuyên thay đổi vị trí.

kiem-tra-tai-son-tay.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Trường Mầm non Họa My tại thị xã Sơn Tây (Ảnh: Hương Giang).

Việc kiểm soát, ngăn chặn sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn và kiểm soát an toàn thực phẩm, theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo các xã, phường; đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; triển khai đồng bộ biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là mùa hè; tuyên truyền các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật mới; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông tới người quản lý, người tiêu dùng, người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm.

Cùng với đó, thị xã phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã tập huấn kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm cho hội viên Hội phụ nữ; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm định lượng đối với thực phẩm có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm.

Đặc biệt, thị xã tiếp tục duy trì, triển khai các mô hình điểm về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn; triển khai đầu tư phát triển hệ thống chợ, tăng cường kiểm tra, rà soát cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ…