Chuyển đổi số ở huyện Đan Phượng: Lan tỏa mạnh nhờ chủ trương đúng
Cuối năm 2021, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/HU về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế, cùng nhiều giải pháp cụ thể trong triển khai thực hiện đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện, mang lại nhiều lợi ích trong quản lý, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và đời sống nhân dân.
Xu thế tất yếu
Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là xu thế tất yếu trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là giải pháp đột phá nhằm hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành và góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức được điều đó, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021-2025, Huyện ủy Đan Phượng đã xây dựng, ban hành Nghị quyết số 28-NQ/HU về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND; các ngành, đơn vị, xã, thị trấn cũng đồng loạt xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Để đưa Nghị quyết số 28-NQ/HU vào cuộc sống, huyện Đan Phượng đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn về chuyển đổi số, sử dụng các dịch vụ chính quyền số; tổ chức tọa đàm, trao đổi, nâng cao các tiêu chí xây dựng mô hình thôn thông minh... Huyện cũng tăng cường hợp tác, phối hợp với các đơn vị viễn thông trong việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Đến nay, huyện đã trang bị hệ thống họp trực tuyến tại UBND huyện và 16 xã, thị trấn trên địa bàn, cơ bản đáp ứng được các hội nghị trực tuyến do thành phố, huyện tổ chức; 100% các văn bản được lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức xử lý trên Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị của huyện, các xã, thị trấn được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin trong công việc...
Bà Nguyễn Thị Thám (thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng) cho biết, người dân trong thôn được tuyên truyền và đã chủ động trong việc chuyển đổi số. Hiện, các gia đình trong thôn đều có người sử dụng thành thạo điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối mạng.
"Chúng tôi sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số trong giao tiếp, sản xuất và kinh doanh. Trên địa bàn thôn Đoài Khê có nhiều nhóm Zalo được thành lập; trong đó, có nhóm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đảng viên và đại diện các hộ dân. Từ đây, chúng tôi nắm bắt thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước", bà Thắm nói.
Bứt phá nhờ công nghệ số
Có thể thấy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU của Huyện ủy Đan Phượng đã giúp tạo đột phá trong công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền và nâng cao đời sống người dân. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, chỉ tính riêng năm 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã được UBND huyện quan tâm đầu tư hơn 23 tỷ đồng để trang bị máy tính, máy in, màn hình tương tác trực tuyến phục vụ công tác quản lý và dạy ngoại ngữ, tin học của các nhà trường.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU, các dịch vụ công hướng đến người dân và doanh nghiệp được chú trọng phát triển, ngày càng dễ sử dụng. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngày càng được công khai, minh bạch, nhanh chóng…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn huyện Đan Phượng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, trang thiết bị máy tính, máy in, máy scan ở một số cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đã xuống cấp, cấu hình thấp, gây khó khăn cho quá trình xử lý công việc, khai thác các hệ thống phần mềm dùng chung, số hóa hồ sơ, tài liệu của cán bộ, công chức. Hạ tầng viễn thông, nhất là hệ thống trạm thu phát sóng BTS trên địa bàn các xã, thị trấn còn thiếu, ảnh hưởng đến việc phủ sóng mạng 3G, 4G cũng như công tác thông tin liên lạc... Những khó khăn, hạn chế này đã và đang được huyện rà soát và có kế hoạch đầu tư trong năm 2024 để tạo bứt phá về việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số theo Nghị quyết 28-NQ/HU, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số.