Đề xuất lương giáo viên ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương:Tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo
Lương thấp nên nhiều giáo viên buộc phải chuyển nghề đã và đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở nhiều địa phương. Vì vậy, dự thảo Luật Nhà giáo với đề xuất tiền lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và cả những người trong ngành.
Đây được kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ để tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng.
Tạo hành lang pháp lý
Ngày 13-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, ngành Giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, Bộ đã tham mưu Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; đồng thời tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm làm việc và cống hiến.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có hơn 1,4 triệu giáo viên, chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay tại nhiều địa phương cho thấy còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ; đặc biệt là thiếu nhiều giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong khi đó, thách thức lớn đối với ngành Giáo dục là vừa phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, vừa phải đối diện với tình trạng giáo viên chuyển nghề trong bối cảnh số lượng học sinh ngày càng tăng. Tháng 8-2022, Ban Chấp hành Trung ương đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho các địa phương, giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Năm học 2023-2024, cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên.
Do đó, việc đưa nội dung “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” vào dự thảo Luật Nhà giáo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và những người trong ngành Giáo dục. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Phương Hoa cho rằng, nếu chủ trương này trở thành hiện thực sẽ là cú hích mạnh mẽ để phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng. Khi có mức lương tương xứng với yêu cầu công việc, nhà giáo sẽ yên tâm gắn bó và cống hiến. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần giải quyết tình trạng giáo viên chuyển nghề.
Mong đợi cải cách thực chất
Đây không phải lần đầu tiên chủ trương “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” được đề cập. Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nêu rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay nội dung này vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Vì thế, câu hỏi được nhiều nhà giáo quan tâm hiện là liệu họ có lại mừng hụt như nhiều năm qua hay không? Băn khoăn này không phải là không có cơ sở, bởi khi xây dựng Luật Giáo dục 2019, nội dung “tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất” đã được đưa vào dự thảo nhưng lại bị rút trước khi trình Quốc hội thông qua, do không đủ nguồn lực thực hiện.
Về nguồn lực để thực hiện tăng lương, tại nhiều diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ, cái khó của ngành Giáo dục là không được quyết định về tiền lương để bảo đảm cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và thu hút được người giỏi trở thành giáo viên.
Hiện nay, nhiều nhà giáo tâm tư về việc, từ ngày 1-7, khi thực hiện chính sách tiền lương mới, lương nhà giáo được tính toán tăng nhưng lại bị cắt bỏ phụ cấp thâm niên. Vì vậy, dù mức lương có được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp thì cũng không bù đắp được. Phản hồi tâm tư của nhiều nhà giáo, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, theo nguyên tắc xây dựng tiền lương mới, lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành Giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất. Vì thế, tiền lương mới sẽ không thấp hơn tiền lương cũ, trong trường hợp thấp hơn, nhà giáo sẽ được bảo lưu mức cũ.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức:
Giải quyết mong mỏi của nhà giáo
Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá, mang ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trên cả nước. Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức rõ đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để những trăn trở, mong mỏi về nghề nghiệp nhà giáo sẽ được giải quyết trên một nền tảng vững chắc, đó là Luật.
Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo không được quyết định về tài chính cho ngành mình quản lý. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, Đảng đã có Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về cải cách chính sách tiền lương với cùng chủ trương “tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất”, có nghĩa là đều đã có tính toán trên cơ sở báo cáo của cơ quan chức năng. Do vậy, chúng ta có thể hy vọng chủ trương này sẽ được cụ thể hóa trong Luật Nhà giáo.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm:
Phải bảo đảm nhà giáo sống được bằng lương
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay của giáo dục trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, cần tính toán cơ chế quản lý giáo dục nhằm phát huy năng lực tự chủ và huy động được nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Vấn đề lương nhà giáo cần tiếp cận ở góc độ làm thế nào để bảo đảm đội ngũ nhà giáo sống được bằng lương, chứ không hẳn là xếp cao ở mức độ nào, và cũng không phải bằng việc so sánh mức lương ấy với các ngành khác. Nhà nước phải bảo đảm thu nhập của nhà giáo đủ sống, để họ sống bằng nghề chứ không phải đôn đáo đi dạy thêm. Giải quyết được vấn đề này sẽ góp phần ngăn chặn việc dạy thêm tràn lan, sai quy định.
Nhà trường là nơi vận hành tạo ra “sản phẩm” giáo dục là con người. Muốn “sản phẩm” đạt chất lượng, nhà trường cần được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về ba vấn đề gồm: Thực hiện chương trình giáo dục; tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh giáo viên; sử dụng nguồn lực tài chính từ ngân sách cũng như các nguồn lực khác.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Thu An:
Mong chủ trương sớm thành hiện thực
Được tiếp cận dự thảo Luật Nhà giáo, tôi và các đồng nghiệp rất vui khi chính sách tiền lương nhà giáo được nêu rõ là “được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Dù biết từ chủ trương đến thực tế còn là một chặng đường dài, để mức tiền lương nhà giáo được như mong muốn còn cần các cơ quan chức năng xem xét kỹ và toàn diện, nhất là cần tính toán nguồn lực khả thi để triển khai, song qua đây, đội ngũ nhà giáo chúng tôi thêm hiểu và ý thức rõ thêm rằng, vai trò và sứ mệnh của mình rất quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Là một nhà giáo cấp mầm non, cấp học vất vả nhất trong các cấp học với thời gian làm việc nhiều, áp lực công việc cao, tôi và các đồng nghiệp mong muốn chủ trương về tiền lương nhà giáo sớm thành hiện thực. Điều này không chỉ giúp đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề, mà còn góp phần bảo đảm chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Minh Khang ghi