Bảo hiểm y tế: Tấm thẻ an sinh của người dân
Nhiều năm qua, bảo hiểm y tế (BHYT) trở thành tấm thẻ an sinh của không ít người dân khi không may bị ốm đau, bệnh tật, gặp tai nạn rủi ro, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Càng ngày, điểm tựa an sinh của người dân càng được củng cố vững chắc khi số người tham gia tăng lên, số người thụ hưởng cũng tăng, thậm chí nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng viện phí, giúp bệnh nhân có cơ hội phục hồi sức khỏe, giúp gia đình giảm những “gánh lo”.
Nhiều bệnh nhân hưởng hàng tỷ đồng BHYT
Tiếp tục khẳng định vai trò của chính sách BHYT, ngày 20-5-2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin về nhiều trường hợp bệnh nhân được Quỹ BHYT thanh toán viện phí với số tiền hàng tỷ đồng trong thời gian từ đầu năm 2023 đến hết tháng 4-2024.
Đứng đầu danh sách là bệnh nhân có mã thẻ TE1303622XXXXX (trú tại phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), được chi trả 4,465 tỷ đồng cho quá trình điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường type, suy thận. Tiếp đến là bệnh nhân có mã thẻ TE1171721XXXXXX (trú tại phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), được chi trả hơn 4,372 tỷ đồng cho quá trình điều trị bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền.
Mức thanh toán viện phí từ 2,534 tỷ đồng đến 3,687 tỷ đồng dành cho nhiều bệnh nhân BHYT khác, trong đó có bệnh nhân mã thẻ TE1010131XXXXXX (trú tại xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội) với bệnh tích lũy glycogen.
Ngoài những trường hợp nêu trên, nguồn Quỹ BHYT chi cho công tác khám, chữa bệnh tăng đều hằng năm. Đáng chú ý, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, mức chi BHYT tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng với số tiền chi tăng gần 5.600 tỷ đồng. So với nguồn dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2024, số tiền đã chi trong 4 tháng đầu năm chiếm khoảng 37%.
Nếu như người tham gia BHYT được hưởng ngày càng nhiều quyền lợi an sinh, thì ở chiều ngược lại, không ít người chưa tham gia chịu nhiều thiệt thòi. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn mà không thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí, nỗi lo thiếu điểm tựa an sinh càng rõ nét.
Dẫn chứng là, cuối tháng 4 vừa qua, BHXH thành phố Hà Nội nhận được đơn đề nghị hỗ trợ tiền đóng BHYT của bà Lê Thị Dung (sinh năm 1956; trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa) và bà Lê Thị Anh Đào (sinh năm 1958; trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai).
Nội dung đơn đề nghị nêu rõ, hai bà đã hết tuổi lao động, không có lương hưu, hiện phải đi làm thuê kiếm sống, lại chưa đến tuổi hưởng chính sách trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi. Các con của hai bà hiện không có công việc mang lại thu nhập đều đặn, gia cảnh khó khăn, nên dù muốn tham gia BHYT, gia đình cũng không đủ điều kiện, cần đến sự trợ giúp từ nguồn lực xã hội…
Bảo đảm nguồn quỹ phát triển an toàn, ổn định
Thực tế cho thấy, số người tham gia BHYT tăng, thụ hưởng quyền lợi ngày càng nhiều trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những mối lo về sự phát triển thiếu an toàn, ổn định của nguồn quỹ, thậm chí có thể bội chi quỹ.
Lý giải nguyên nhân chi phí BHYT tăng, BHXH Việt Nam cho biết, theo các quy định hiện hành, người tham gia BHYT được Quỹ BHYT thanh toán số tiền khám, chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng. Ngoài ra, bệnh nhân BHYT được Quỹ BHYT thanh toán đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh theo quy định, không bị giới hạn về số ngày điều trị và tổng chi. Do đó, quỹ an sinh này dành khoản chi lớn cho nhóm bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, cần điều trị dài ngày, sử dụng thuốc, dịch vụ y tế đắt đỏ như tim mạch, ung thư, bệnh hiếm…
Để thực hiện tốt cùng lúc nhiệm vụ củng cố vững chắc điểm tựa an sinh cho nhân dân, giúp nhiều người hưởng lợi, đồng thời bảo đảm sự phát triển an toàn, ổn định của nguồn Quỹ BHYT, ngành BHXH cùng các ngành chức năng tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Dưới góc độ thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả, năng lực giám định BHYT; thường xuyên thông báo mức chi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, để các cơ sở tự rà soát, điều chỉnh chi phí sao cho hợp lý.
Về việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, ngành BHXH công khai giá từng loại thuốc trúng thầu được thanh toán từ nguồn Quỹ BHYT của từng bệnh viện, địa phương, Bộ Y tế trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Ngành cũng yêu cầu Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến; BHXH các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thông báo đến sở y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khai thác thông tin tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn/ và thực hiện các phần việc liên quan, sau đó cập nhật danh mục thuốc mua sắm theo kết quả đấu thầu tập trung cấp địa phương lên phần mềm giám định.
Ở cơ sở, ngoài giải pháp chung, các cơ quan chức năng cũng nỗ lực bảo đảm sự hoạt động ổn định của Quỹ BHYT bằng nhiều cách. Chẳng hạn, tại Hà Nội, từ đầu năm 2024, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND yêu cầu các đơn vị liên quan không để người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng; đồng thời tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Người đứng đầu các đơn vị chức năng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra những sai phạm liên quan đến BHYT.
Trên phạm vi rộng hơn, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới tại dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), tập trung vào nội dung liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh BHYT; sử dụng thuốc, vật tư y tế.
Bằng nhiều giải pháp vừa vĩ mô, vừa vi mô, vừa linh hoạt, vừa cụ thể, hy vọng rằng, người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn; Quỹ BHYT phát triển ổn định, bền vững hơn.