Đời sống

Bài tham dự cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Luôn có Bác trong tim

Nguyễn Văn Công 21/05/2024 - 11:55

Dù mới chỉ được gặp Bác Hồ một lần cách đây tròn 60 năm, song mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc đó, lão nông Trần Văn Cao lại rơm rớm nước mắt vì xúc động.

Một lần gặp, yêu Bác suốt đời

Một ngày tháng 5-2024, chúng tôi về xóm Đường (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), hỏi thăm Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Trần Văn Cao thì ai nấy đều biết và nhiệt tình chỉ đường. Bởi, tuy chỉ là phòng lưu niệm tư nhân, song ông Cao mở cửa đón khách hằng ngày và nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

anh-1.jpg
Ông Trần Văn Cao lập bàn thờ Bác Hồ từ năm 2000 và bắt đầu hành trình sưu tầm ảnh Bác suốt hơn 20 năm qua. Ảnh: Nguyễn Văn Công

Sinh năm 1935, năm nay đã bước sang tuổi 89 nhưng những ký ức về Bác Hồ, ông Cao vẫn nhớ như in như mới vừa hôm qua. Lúc trai trẻ, năm 1962, ông Cao thoát ly địa phương vào ngành Thủy lợi trong khí thế miền Bắc sục sôi lao động sản xuất, tiếp sức cho miền Nam đánh Mỹ.

Tháng 6-1964, ông vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân vận động thị xã Thái Nguyên. Hình ảnh Bác Hồ đi đôi dép cao su, mặc bộ quần áo kaki màu nâu khiến ông xúc động vô cùng.

“Một lãnh tụ của đất nước vừa đánh Pháp thắng lợi xong và đang tiếp tục đánh Mỹ mà Bác vẫn hết sức giản dị, gần gũi. Tôi vô cùng ngưỡng mộ nhân cách của Bác. Từ tình cảm đó, tôi làm việc gì cũng nhớ về Bác, những lời Bác căn dặn theo tôi suốt cuộc đời. Mỗi lần nhớ về hình ảnh Người tôi đều không cầm được nước mắt cho dù sự kiện đó đã trôi qua 60 năm nay”, ông Cao nhớ lại.

Sau lần gặp Bác Hồ, ông Cao được Bộ Thủy lợi phân công sang Lào công tác để giúp đỡ nước bạn. Trong 8 năm ở Lào (1964-1972), ông Cao 3 lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua và phần thưởng cho mỗi lần là 7 bức ảnh về Bác. Di chuyển những nơi công tác khác nhau song ông Cao đều mang theo 21 bức ảnh Bác Hồ bên mình như báu vật vô giá.

Năm 1987, ông Cao về nghỉ hưu tại địa phương. Nhớ lời Bác dặn “lao động là vinh quang”, ông nhận một mẫu ruộng để làm cho dù trước đây chưa từng làm ruộng. Tuy nhiên, ông cũng ấp ủ ý tưởng sẽ mở một phòng lưu niệm ảnh về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết tuổi đã cao nhưng lòng ông đã quyết cho dù con cháu có đôi lần ngăn cản, ông vẫn bắt đầu những hành trình vào Nam ra Bắc để sưu tập ảnh về Người.

Bác sống mãi trong lòng dân tộc

Đầu năm 2000, ông Cao lập bàn thờ Bác Hồ ngay tại tầng 3 nhà mình và ngày ngày thắp hương kính Người. 21 bức ảnh Bác Hồ, ông đóng khung và treo trang trọng trong nhà. Ông đã một mình đi lên Lai Châu, Cao Bằng rồi vào Nghệ An, thậm chí tận Kiên Giang để sưu tập ảnh Bác. Hễ có ai báo tin có ảnh quý về Bác, ông lại lặn lội đến tận nơi xin sao chép hoặc mua lại.

Đúng ngày 22-12-2017, kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Cao cho ra mắt phòng trưng bày với hơn 300 bức ảnh về Bác Hồ do ông sưu tầm. Mỗi bức ảnh đều được ông chú thích rõ ràng, đóng khung hoặc cho vào tủ kính theo trình tự thời gian.

anh-2.jpg
Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Cao hiện có gần 1.000 bức ảnh về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Văn Công

Mong muốn xây dựng Phòng lưu niệm Bác Hồ quy mô hơn, đầu năm 2021, ông Cao vay 40 triệu đồng để mở rộng không gian trưng bày. Ông thiết kế thành 2 phòng thông nhau, một phòng rộng 35m2 trưng bày hơn 800 bức ảnh, một phòng rộng 18m2 trưng bày 100 bức ảnh về cuộc đời Bác Hồ từ lúc còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung 5 tuổi theo cha vào kinh thành Huế đến lúc Người đi xa mãi mãi.

Cuối phòng lưu niệm, ông Cao in bài thơ lục bát dài 1.456 câu thơ về Bác Hồ do ông sáng tác trong 10 năm. “Có hôm đang đi làm đồng nghĩ được mấy câu, tôi lại ghi vào sổ rồi kết thành bài sử ca này. Tôi muốn truyền tải thông tin về Bác gần dân như thế nào, Bác đối với công nhân, thiếu nhi, bộ đội, người cao tuổi như thế nào...”, ông Cao chia sẻ.

Bài thơ lục bát, đúng ra là bản trường ca của ông Cao, mang tựa đề “Sử ca - Câu chuyện Việt Nam Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam”, có đoạn: “Đường xa cách trở dặm trường/ Lúc đi bỡ ngỡ vấn vương lên tàu/ Đường dài từ Á sang Âu/ Giờ về châu Á nước Tàu dừng chân/ Đi xa nay Bác về gần/ Mang điều học được cứu dân, giúp nhà...”.

Ngoài ra, ông Cao còn vẽ 6 bức tranh khổ lớn về Bác Hồ trưng bày trong phòng lưu niệm. Ông cũng sắp xếp các bức ảnh thành câu chuyện để khách tham quan dễ hiểu và dễ nắm bắt thông tin như: “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội”... Và ngày 25-3-2023, ông Cao đã mời đại diện chính quyền địa phương và đông đảo người dân trong thôn dự lễ khai trương Phòng lưu niệm Bác Hồ.

Ông Nguyễn Trung Phồn, người cao tuổi xã Đại Yên cho biết: “Ông Cao rất tâm huyết với Đảng, Bác Hồ. Khi ông xây dựng phòng lưu niệm, ông đã mời chúng tôi đến tham khảo, bài trí thế nào cho phù hợp. Chúng tôi rất ngưỡng mộ việc làm và tinh thần của ông Cao. Ông là một tấm gương để lớp trẻ học tập. Việc làm của ông Cao minh chứng cho một chân lý: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Với việc làm tâm huyết của mình, ông Trần Văn Cao đã vinh dự nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2020 do UBND thành phố Hà Nội trao tặng; và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022.

Từ khi khai trương Phòng lưu niệm Bác Hồ đến nay, ông Cao đã đón gần 100 đoàn khách tham quan, còn số khách lẻ nhiều không tính hết. Đặc biệt, vào tháng 3-2021, ông Cao đón đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan và họ đã xin chụp lại một số hình ảnh tư liệu mà Bảo tàng chưa có.

Hiện nay, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng hằng ngày ông Cao vẫn leo lên tầng 3 của ngôi nhà để thắp hương cho Bác. Ngoài ra, ông còn sắm vai thuyết minh viên nếu như có khách tham quan.

“Tôi không dừng công việc này lại ở đây. Tôi sẽ tiếp tục đi sưu tầm những bức ảnh về Bác, đồng thời, truyền tải thông tin về Bác Hồ cho lớp lớp thế hệ sau để họ hiểu sâu sắc hơn và học tập, noi theo gương sáng của Người”, ông Cao cho biết.

logo-dien-tu2-02.jpg