Kinh tế

Ngành logistics: Hướng tới giảm thiểu "dấu chân" carbon

Lam Giang 21/05/2024 - 06:33

Ngành logistics Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, song cũng phát sinh nhiều thách thức, nhất là các vấn đề về môi trường.

Giảm thiểu "dấu chân" carbon (tổng lượng khí nhà kính được tạo ra bởi các hành động của con người trong quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp...), bảo đảm chuỗi cung ứng xanh thông qua ứng dụng công nghệ là một trong những nhiệm vụ cần được đẩy mạnh thời gian tới.

logistics.jpg
Bốc xếp hàng hóa tại kho của Công ty logistics Delta. Ảnh: Văn Nghĩa

Hiện thực hóa cam kết

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung, logistics xanh, phát triển bền vững không chỉ là xu hướng của thế giới mà là nhiệm vụ góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhằm đưa mức phát thải ròng về 0 đến năm 2050.

Để phát triển bền vững, ngành logistics cần xanh hóa trong các quy trình logistics, về vận tải, kho bãi, công nghệ, thương mại tới quản trị.

“Thời gian qua, doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam nói chung và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nói riêng đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng liên quan đến thay thế và chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tiết kiệm, tối ưu hóa các giải pháp trong quy trình về quản trị, kỹ thuật, thương mại trong logistics xanh”, ông Lê Quang Trung thông tin.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) Đinh Thanh Sơn cho biết, Viettel Post đã quy hoạch hạ tầng logistics hiện đại, đồng bộ, gồm công viên, trung tâm logistics, kho ngoại quan, cửa khẩu, cảng cạn để kết nối các vùng nguyên liệu, vùng nông nghiệp, thủy hải sản với các Hub (trung tâm trung chuyển hàng hóa khối lượng lớn) giao thông đường sắt, đường biển, cảng hàng không và cửa khẩu nhằm tối ưu hóa thời gian và chi phí lưu thông. Với hướng đi này, Viettel Post đang từng bước làm chủ công nghệ tự động hóa và công nghệ xanh.

Đáng chú ý, Viettel Post đang triển khai xây dựng và dự kiến đưa vào vận hành công viên logistics thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm nay như một hình mẫu điển hình về logistics xanh. Trong đó, doanh nghiệp sẽ đưa toàn bộ công nghệ nhà kho thông minh (trên diện tích hơn 20.000m2) vào hoạt động, không có sự hiện diện của con người. Với mô hình này, lần đầu tiên tại Việt Nam có một nhà kho thực hiện kết nối thiết bị IoT (internet vạn vật) với mạng 5G, sử dụng robot chia chọn, lưu chuyển hàng hóa, trang bị hệ thống quản lý năng lượng thông minh… Điều này đồng nghĩa, dịch vụ logistics của Viettel Post được nâng cao tối đa hiệu suất, tiết giảm chi phí và xả thải ra môi trường.

Là doanh nghiệp tiêu thụ gần 25% sản lượng cà phê với hơn 100 nhà cung ứng tại Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam đặc biệt chú trọng tới “tính xanh” trong chuỗi cung ứng. Quản lý đối ngoại Công ty Nestlé Việt Nam Lê Thị Hoài Thương cho biết, nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu đang lựa chọn các phương thức sản xuất, sản phẩm phát thải thấp. Để thích ứng, giữ vững thị trường và chuỗi cung ứng của mình, Nestlé Việt Nam đặt lộ trình giảm 20% phát thải vào năm 2025; giảm 50% phát thải năm 2030 và đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Nestlé đã thực hiện triệt để giảm "dấu chân" carbon trên hệ thống của mình ở toàn cầu, kết nối giữa các đối tác cung ứng và logistics chiến lược tại Việt Nam để thúc đẩy sáng kiến về giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng xanh...

Phát triển bền vững, toàn diện hơn

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển xanh, giảm phát thải của ngành dịch vụ logistics Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là chính sách và văn bản pháp luật liên quan đến ngành logistics chưa được thực hiện một cách chi tiết và đồng nhất; cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ; quy mô hoạt động, vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng của doanh nghiệp logistics còn hạn chế... Thực tế này khiến việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi xanh hóa ngành logistics gặp nhiều trở ngại.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn.

Tuy nhiên, các quy định và chính sách phát triển xanh hiện tại mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh, nhất là liên quan tới kho bãi, hệ thống công nghệ thông tin. Ngoài ra, những chính sách về quy trình sản xuất để bảo đảm phát triển logistics xanh còn rất hạn chế, đặc biệt là những quy định về tái chế, sửa chữa và phục hồi chất thải, tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường…

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho biết, là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng. Việc ứng dụng công nghệ trong logistics giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng. Những lợi ích này không chỉ mang lại giá trị cho từng doanh nghiệp và toàn ngành logistics mà còn tác động đến nền kinh tế và xã hội nói chung.