Chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính: Phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp
Công tác cải cách hành chính luôn được các cơ quan của TP Hà Nội triển khai quyết liệt nhằm hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, thành phố đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác này, trong đó xác định rõ việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính là “thước đo” đánh giá chất lượng phục vụ của chính quyền các cấp.
Tăng thẩm quyền, rõ trách nhiệm
Thành phố Hà Nội hiện có 24 sở và cơ quan tương đương; 30 quận, huyện, thị xã; 2.597 đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, chính quyền từ thành phố đến cơ sở luôn nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành với phương châm 5 “rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc; yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm. Việc triển khai quyết liệt các yêu cầu trên đã góp phần giảm 12% số nhiệm vụ quá hạn so với trước đây.
Để thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính, từ tháng 1-2023, Hà Nội đã đưa vào khai thác sử dụng dùng chung hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố, hệ thống thông tin báo cáo thành phố, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành nội bộ; duy trì kết nối liên thông 4 cấp chính quyền phục vụ việc trao đổi gửi, nhận văn bản điện tử giữa Trung ương và các cấp chính quyền thành phố qua trục liên thông văn bản quốc gia. Việc khai thác, vận hành các hệ thống góp phần đẩy mạnh chuyển phương thức truyền thống sang mô hình chính quyền số - công dân số, kết nối, cung cấp thông tin dữ liệu, dịch vụ trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ; tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí hành chính toàn thành phố mỗi năm khoảng 160 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 28-3-2022 của UBND thành phố Hà Nội về rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) của các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội, đến nay, các sở, ban, ngành đã phê duyệt 470 quy trình giải quyết nội bộ tại sở. Cấp huyện ban hành 1.806 quy trình; cấp xã ban hành 3.001 quy trình giải quyết các công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) và 136 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp xã. Cùng với đó, các cấp đã tổ chức 4.479 cuộc kiểm tra công vụ, qua đó xử lý kỷ luật 1.759 trường hợp.
Coi trọng kiểm tra công vụ và sắp xếp cán bộ
Qua giám sát của HĐND thành phố Hà Nội tại các quận, huyện, thị xã cho thấy, từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố; tích cực cải cách hành chính, chú trọng luân chuyển, sắp xếp cán bộ phù hợp và chú trọng kiểm tra công vụ…
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện chú trọng việc kiểm tra công vụ, nhất là việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thành phố giao, qua đó đã xử lý kỷ luật 16 cán bộ, khắc phục 22 vấn đề.
Còn theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, UBND quận đã thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với 91 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý; 14 công chức địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường; 37 công chức, viên chức tài chính, kế toán… Đáng lưu ý, quận cũng tiến hành kiểm tra công vụ 111 lượt đối với 56 đơn vị, ban hành 21 văn bản phê bình các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, quận đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, quận còn thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành như: Phần mềm quản lý văn bản, phần mềm đánh giá xếp loại chất lượng và quản lý cán bộ, công chức; phần mềm tiếp nhận và trả lời phản ánh của tổ chức, cá nhân..., nhờ đó quy trình xử lý, giải quyết công việc được rút ngắn.
Với sự quyết liệt của chính quyền từ thành phố đến cơ sở, việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ tại các cơ quan, đơn vị đã có những chuyển biến rõ rệt. Các cấp đã chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính thực sự trở thành “thước đo” đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thủ đô, phục vụ tốt nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp.