Vấn đề giao đất dịch vụ tại phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây):Cần câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục
Gần 20 năm qua, 97 hộ dân ở phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, nhưng chưa được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng giao đất dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27-1-2006. Ngần ấy thời gian, người dân vẫn kiên trì kiến nghị đến cấp có thẩm quyền và chờ đợi câu trả lời thỏa đáng...
Những dở dang của nhiều năm trước
Từ năm 2000 đến tháng 3-2008, trên địa bàn phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) triển khai 20 dự án, thu hồi hơn 32ha đất nông nghiệp. Theo đó, 97 hộ dân thuộc đội sản xuất số 3, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thịnh bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, trong đó 14 hộ bị thu hồi 100% diện tích, nhưng chưa được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng đất dịch vụ.
Dẫn chứng trường hợp gia đình mình, ông Kiều Văn Hứa cho biết, gia đình ông bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp (1.242m2). Lúc này, Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27-1-2006 (sửa đổi một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần) đã có hiệu lực từ ngày 27-2-2006.
Theo đó, những hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng giao đất dịch vụ có thu tiền sử dụng đất. Dù đã kiến nghị rất nhiều lần, song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều người tuổi cao mà vẫn đau đáu về quyền lợi chưa được hưởng...
Giải thích thêm, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp phường Phú Thịnh Chu Văn La cho hay, thực hiện Nghị định số 17/2006/NĐ-CP, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28-6-2007 (quy định giao đất có thu tiền sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tây). Quyết định này cũng quy định người bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ đất dịch vụ bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.
Tuy nhiên, ngày 22-2-2008, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 371/2008/QĐ-UBND, trong đó quy định cơ chế giao đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở gồm các dự án thực hiện từ ngày 28-6-2007 - ngày UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND. Vì các hộ bị thu hồi đất vào cuối năm 2006 nên thị xã Sơn Tây kết luận không có căn cứ xem xét cho 97 hộ dân được hưởng đất dịch vụ.
“Mấu chốt ở chỗ, Quyết định số 371/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây quy định các hộ được giao đất dịch vụ từ thời điểm ngày 28-6-2007 - nghĩa là, lùi lại hơn 1 năm so với ngày Nghị định số 17/2006/NĐ-CP có hiệu lực. Tôi cho rằng điều này chưa đúng pháp luật, khiến người dân thiệt thòi”, ông Chu Văn La phân tích thêm.
Cần rõ tính pháp lý
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch phụ trách UBND phường Phú Thịnh Đặng Thành Nam thông tin, từ năm 2008, UBND phường đã có báo cáo gửi cấp có thẩm quyền, trong đó nêu rõ, việc thực hiện Nghị định 17/2006/NĐ-CP và các quyết định của UBND tỉnh Hà Tây về giao đất dịch vụ còn những điểm chưa thống nhất, chưa rõ, kể cả về thời điểm áp dụng giao đất dịch vụ... UBND phường kiến nghị, UBND tỉnh Hà Tây cho nhân dân được hưởng quyền lợi giao đất dịch vụ từ khi có Nghị định số 17/2006/NĐ-CP... Trong tất cả các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử các cấp, cử tri liên tục có ý kiến phản ánh, vì vậy, UBND phường mong muốn các cấp giải quyết dứt điểm việc này.
Trước ý kiến của 97 hộ dân, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Sơn Tây Phan Thị Minh Hạnh cho biết, trong nội dung trả lời tại Văn bản số 2477/UBND-PTQĐ ngày 22-11-2023, UBND thị xã Sơn Tây khẳng định, tại thời điểm các hộ bị thu hồi đất, Nghị định số 17/2006/NĐ-CP đã có hiệu lực, nhưng có 3 căn cứ khẳng định các hộ không được hưởng đất dịch vụ. Thứ nhất, tại Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 20-6-2006 của UBND tỉnh Hà Tây về việc ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Tây không có quy định giao đất dịch vụ. Thứ hai, thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc UBND tỉnh Hà Tây và trong phương án phê duyệt không có giao đất dịch vụ. Thứ ba, Quyết định số 371/2008/QĐ-UBND ngày 22-2-2008 của UBND tỉnh Hà Tây quy định, chỉ các dự án triển khai từ ngày 28-6-2007 mới được áp dụng chính sách đất dịch vụ.
Như vậy, điểm nghẽn trong giải quyết đất dịch vụ cho 97 hộ dân của phường Phú Thịnh đang nằm ở Quyết định số 371/2008/QĐ-UBND ngày 22-2-2008 của UBND tỉnh Hà Tây. Do đó, đề nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) và các cơ quan chức năng xem xét tính phù hợp của quyết định này với Nghị định số 17/2006/NĐ-CP về mặt thời gian người dân được hưởng đất dịch vụ sau thu hồi đất nông nghiệp; từ đó có câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục cho người dân.