Văn hóa

Nhạc sĩ Dân Huyền: Hình ảnh Bác Hồ luôn khắc sâu trong tâm trí tôi

Bảo Nam 19/05/2024 - 20:27

Nhạc sĩ Dân Huyền (nguyên Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam) có nhiều kỷ niệm với Bác Hồ. Tôn kính, ngưỡng mộ Bác, ông đã sáng tác nhiều ca khúc về Người, trong đó có “Bên Lăng Bác Hồ” với ca từ da diết, xúc động, thể hiện nỗi lòng của hàng triệu người con nước Việt luôn hướng về Bác: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong/ Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng/ Về thăm Bác hôm nay bao mến thương xao xuyến trong lòng/ Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông...”.

638512782553862751-z5438418040464_58c532d66a6d054e820d41137b07f24e.jpg
Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, nhân viên Nhà máy Ô tô 1-5, ngày 19-12-1963, trong đó có nhạc sĩ Dân Huyền (người ngồi thứ 8, từ phải sang).

1. Giới yêu thích dân ca và nhạc cổ truyền đặt cho nhạc sĩ Dân Huyền nhiều biệt danh như “người khoác áo mới cho dân ca", “cây cổ thụ dân ca", “hiệp sĩ dân ca"... Lao động nghệ thuật miệt mài, hăng say và tâm huyết, trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông đã làm phong phú, dày dặn thêm kho tàng dân ca. Ông đóng góp cho dân ca về nhiều mặt, trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật là sưu tầm, biên tập và soạn lời mới cho dân ca.

Những bài dân ca do ông soạn lời có ca từ đẹp, mượt mà, mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Ông tự nguyện gắn bó đời mình với dân ca nên sau khi nghỉ hưu, ông đã sáng lập và dìu dắt Câu lạc bộ Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt 20 năm, góp phần tạo nên phong trào yêu dân ca và nhạc cổ truyền rộng khắp cả nước.

Dù có nhiều cống hiến cho dân ca nhưng nhạc sĩ Dân Huyền luôn khiêm tốn, giản dị, sẵn sàng lắng nghe, trao đổi, góp ý với đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn ông. Với lứa nhà báo theo dõi mảng văn hóa, văn nghệ như chúng tôi, ông luôn căn dặn viết về mảng này phải có kiến thức căn bản, phải có cái tâm với văn hóa dân tộc, không phải viết cho có bài. Chẳng thế mà nghệ sĩ Quý Thăng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mười Nhớ (thành phố Hồ Chí Minh) gọi ông là “Ông bụt của dân ca”.

Ở tuổi 86, nhạc sĩ Dân Huyền vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, duy có đôi mắt của ông là kém đi do bệnh đục thủy tinh thể đeo bám nhiều năm. Nếu như trước ông thường viết báo, soạn lời bài hát trên máy tính thì giờ đây, ông chỉ có thể viết trên giấy rồi nhờ con cháu chép cho. Nhiều độc giả ấn tượng với các bài báo của ông về các nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng thời, bởi ngoài kể những kỷ niệm thì ông luôn có những đánh giá, nhìn nhận chân thực, khách quan về họ. Đánh giá của người trong nghề như ông khá “vừa vặn”, đúng đắn. Với ông, viết một bài báo để nhân vật của mình cảm thấy hài lòng là không dễ.

2. Trong những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi lại vang lên những giai điệu đẹp về Bác, trong đó có ca khúc “Bên Lăng Bác Hồ”. Nhiều lần trò chuyện cùng ông, tôi đã được ông chia sẻ về nguồn cảm hứng sáng tác ca khúc đặc biệt này.

“Tháng 10-1974, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cho một đoàn văn nghệ sĩ đến thăm công trường xây dựng Lăng Bác và tôi may mắn là một trong số người được tham dự. Công trường lớn với không khí lao động hết sức khẩn trương, tôi cảm nhận được niềm mong mỏi của những người thợ nơi đây, muốn công trình sớm được hoàn thành để đón Bác vào yên nghỉ. Từ đó, tôi mường tượng ra cảnh biển người, trong đó có những đoàn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền Nam vượt hàng ngàn cây số để ra thăm Bác; đó chính là cảm hứng để tôi viết nên ca khúc “Bên Lăng Bác Hồ” - nhạc sĩ Dân Huyền kể.

Ca khúc “Bên Lăng Bác Hồ” lần đầu tiên được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 8-1975, qua tiếng hát trầm ấm, tình cảm của Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Hưng. Đến nay, sau gần 50 năm, nhiều ca sĩ đã thể hiện ca khúc này, như Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền, Trọng Tấn, Anh Thơ, Hồng Vy, Lê Anh Dũng..., mang lại cho ca khúc những đời sống mới.

Điều tài tình của nhạc sĩ Dân Huyền trong sáng tác ca khúc này là ông đã sử dụng dân ca Nam Bộ để nói lên tình cảm của người dân miền Nam với Bác. Theo lý giải của ông, miền Nam có vai trò, vị trí và tình cảm đặc biệt với Bác. Hơn nữa, khi ông sáng tác ca khúc này, hai miền vẫn chưa thống nhất, người dân miền Nam chưa biết ngày nào có thể ra thăm Lăng Bác.

Ngoài “Bên Lăng Bác Hồ”, nhạc sĩ Dân Huyền còn sáng tác nhiều ca khúc về Bác, như “Khóm trúc Bác Hồ”, “Nhớ hội làng Sen”, “Bác để tình thương cho chúng con”, “Về chùa Trầm nhớ Bác Hồ”, “Lắng tiếng quê hương”, “Khúc hát tâm tình”, “Người đảng viên số 1”... Trong đó, “Người đảng viên số 1” là ca khúc rất đặc biệt, ra đời từ cuộc trò chuyện thú vị giữa ông và nhà báo Trần Lâm, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ.

“Năm 1980, Đảng ta có chủ trương phát thẻ Đảng cho các đảng viên. Sau buổi họp giao ban sáng ngày 28-12, tôi cầm tấm thẻ Đảng còn thơm màu mực hỏi Tổng Biên tập Trần Lâm: “Thẻ của em số to như thế này, những số nhỏ như 1, 2, 3... là của ai?”. Nhà báo Trần Lâm nói: “Các số ấy thuộc về các vị lãnh tụ, như Bác Hồ là số 1...”. Từ đó, tôi nảy sinh ý định sáng tác ca khúc trên chất liệu dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh với ca từ mà nhiều người còn nhớ: “Người đảng viên số 1/ Tiếng nói dậy đất trời/ Luôn vì dân vì nước/ Gian khổ vẫn tươi cười/ Một tấm gương trung hiếu/ Từng lo cho mọi người/ Mong sướng vui cuộc đời/ Vì tương lai tươi sáng/ Người đảng viên số 1/ Là Bác Hồ kính yêu” - ông nhớ lại.

3. Nhạc sĩ Dân Huyền có cơ may lần đầu tiên trong đời được gặp Bác Hồ là vào ngày 19-12-1963, khi Người đến thăm Nhà máy Ô tô 1-5, nơi có phong trào “Ham học, ham làm”, còn ông thì đang là cán bộ tuyên huấn của nhà máy. Khi đó, ông mới 25 tuổi. Bác Hồ tiến đến bắt tay Dân Huyền và hỏi thăm về gia đình. Khi biết Dân Huyền cùng quê Nghệ An với Bác, Bác ồ lên một tiếng rồi nói: “Đồng hương rồi, cháu cố gắng nhé!”. Hiện nay, trong những tư liệu mà ông lưu giữ tại gia đình có một tấm ảnh quý giá chụp Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy Ô tô 1-5 mà ông là một trong những người xuất hiện trong khung hình đó.

Cũng trong thời kỳ đó, nhạc sĩ Dân Huyền đã viết 3 bài báo về 4 nhân vật đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” của Nhà máy Ô tô 1-5 đăng trên Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo Hànộimới) số ra ngày 23-4-1966. Sau đó, vào ngày 15-5-1966, ông vui mừng nhận được tin từ Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội (nay là UBND thành phố Hà Nội) báo tin từ Văn phòng Phủ Chủ tịch do ông Cù Văn Chước ký với nội dung truyền tải ý kiến của Bác Hồ về việc khen thưởng các nhân vật trong bài báo của ông. Trong những bài viết này, ngoài việc thể hiện qua bài viết thông thường, ông đã viết truyện tranh minh họa bằng thơ lục bát về tấm gương chị Trần Thị Bé (24 tuổi, thợ tiện) với nhan đề: “Tên Bé chí lớn”.

Những cơ duyên với Bác luôn khắc sâu trong tâm trí nhạc sĩ Dân Huyền từ khi là còn một chàng trai trẻ đến hôm nay khi đã gần 90 tuổi. Ông coi đó là may mắn, vinh dự và động lực để luôn cố gắng, nỗ lực mỗi ngày. Chẳng thế mà, khi tuổi đã cao ông vẫn đam mê nhiệt huyết với sự nghiệp làm giàu thêm vốn dân ca của dân tộc. Đặc biệt, cứ mỗi dịp tháng 5 về, nhớ đến ngày sinh nhật Bác, trong ông lại có những cảm xúc thật đặc biệt, ông nhớ đến Bác bằng những câu thơ da diết: “Bác đi vào những trang hồng/ Nối dòng lịch sử anh hùng đầy hoa/ Bác còn chắp cánh cho ta/ Và đang bắt nhịp bài ca kết đoàn”.

Nhạc sĩ Dân Huyền (tên thật là Phạm Ngọc Dần), sinh năm 1938, tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam và là một trong những người sáng lập Câu lạc bộ Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam hoạt động suốt hơn 20 năm qua. Ông được biết tới với các vai trò: Biên tập viên âm nhạc, nhạc sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu dân ca...