Văn hóa Hồ Chí Minh: Di sản vô giá cần được phát huy
Văn hóa Hồ Chí Minh là một đề tài lớn. Nhưng dù bàn ở góc độ hay mức độ nào, chúng ta cũng đều dễ dàng đi đến chung nhận định: Văn hóa Hồ Chí Minh có sức mạnh trường tồn; đó là thứ văn hóa tiêu biểu trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
1. Nói về văn hóa Hồ Chí Minh thì trước hết phải khẳng định, Người chính là một trong những con người văn hóa nhất, vừa đậm chất truyền thống, vừa sâu sắc tinh thần thời đại.
Nguyễn Công Trứ từng viết: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. “Danh” đối với các nhà nho chân chính là phải đi với “thực”, phải gắn với sự lập đức, lập ngôn hay lập công... Bác Hồ xuất thân từ nhà nho, là con của một bậc đại khoa nhưng đã thoát hẳn mọi định lệ, ý thức hệ phong kiến.
Trong những năm dài bôn ba tìm đường cứu nước, Bác nghiên cứu sâu về nhiều lĩnh vực như chính trị, luật pháp, tiến trình dân chủ của phương Tây, về Phật giáo, Kitô giáo và các triết thuyết khác, về cách mạng vô sản ở Nga và Trung Quốc... Văn hóa là một lĩnh vực Bác luôn quan tâm, nhất là đặt trong các mối quan hệ xã hội. Dù ở lĩnh vực nào, vừa nghiên cứu, Bác vừa đồng thời không ngừng thẩm thấu những tiến bộ, văn minh của thế giới. Tuyên ngôn Độc lập nước ta, có dấu ấn của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp 1789, Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 1776, đã chứng minh cho điều đó. Và cũng trên tinh thần đó, trong phần cuối của cuốn “Nhật ký trong tù”, Người đã đưa ra định nghĩa về văn hóa. Theo Bác, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người... Trên thế giới có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, nhưng đây có lẽ là một trong những định nghĩa sáng rõ và đầy đủ nhất; thể hiện tầm tư duy và sự coi trọng của Hồ Chí Minh đối với văn hóa.
Theo "Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh", Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Xô viết Osip Emilyevich Mandelstam khi đang hoạt động ở Liên Xô vào ngày 1-12-1923. Sau đó Mandelstam đã viết bài “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đăng trên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ số 39, ngày 23-12-1923. Ở đó, nhà thơ của xứ bạn xa xôi đã ngay lập tức cảm nhận được chất văn hóa Hồ Chí Minh. Và Mandelstam đã viết, ở thời điểm cách nay hơn 1 thế kỷ, rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
2. Cho đến hôm nay, có thể nói nhận định của Osip Mandelstam là hoàn toàn chính xác. Văn hóa Hồ Chí Minh thực sự là di sản vô giá đã, đang và sẽ mãi mãi được người Việt Nam nâng niu, gìn giữ và trao truyền học hỏi. Văn hóa Hồ Chí Minh còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia, được bạn bè thế giới trân trọng. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Văn hóa Hồ Chí Minh được xác định là toàn bộ di sản tinh thần vô giá mà Người để lại cho dân tộc, cho mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Một phần trong số đó là chính con người Bác, một tấm gương mẫu mực mà với mỗi người, có lẽ chỉ cần thực sự nghĩ về Bác thì lòng ta đã trong sáng hơn.
Là một người làm báo, tôi đã đọc hàng trăm lần “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi tôi coi đó là một tác phẩm quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất của Bác, được Bác viết một cách cẩn thận và công phu nhất; nơi thể hiện cô đọng và sâu sắc nhất của Tư tưởng Hồ Chí Minh về mọi vấn đề. Ở đó cũng hiện lên rực rỡ nhất chất văn hóa con người Hồ Chí Minh.
Trong vô vàn những điều quý báu, đáng nhớ, đáng học tập ở văn hóa con người Hồ Chí Minh, tôi đã được chiếu sáng bởi hai từ: Phục vụ. Bác viết: “Nǎm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người "xưa nay hiếm" nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài nǎm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.
Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?”.
Nếu có một từ để nói về Bác, về người cán bộ, về con người kiểu mới, thì đó là chính là từ “phục vụ”. Nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez cũng tinh tường nhận ra điều này: “Và Người đã hy sinh từ bỏ mọi tên/ để chỉ còn là một giọng nói, một hơi thở, một cái nhìn/ để chỉ còn là... có gì đâu khác... /là đất nước, là máu xương Tổ quốc”.
Để có tinh thần phục vụ tự nguyện, cao cả, hết lòng ấy, phải có căn cứ. Căn cứ của Bác là coi cả dân tộc như một đại gia đình, ai cũng là anh em thân thiết. Ngày 24-5-1948, Bác mời các vị trong Chính phủ, có cả chị Hà, vợ đồng chí Võ Nguyên Giáp ăn cơm. “Nhân lúc vui vẻ chan hòa, một đồng chí Bộ trưởng mạnh dạn nhắc khéo Bác về chuyện gia đình riêng. Bác cũng vui vẻ tâm sự: Mình chẳng phải thần thánh gì. Cũng như tất cả mọi người thôi. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, thì còn điều kiện nào mà nghĩ đến gia đình... Thôi gia đình nhỏ không thể được thì ta cứ lo xây dựng gia đình lớn vậy" ("Thư ký Bác Hồ kể chuyện", NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 79, 80). Tháng 1-1951, Bác đến thăm và nói chuyện với Đại đoàn Sông Lô. Một chiến sĩ hỏi thăm về gia đình của Bác. Bác trìu mến nói: “Bác đã có cả một gia đình rất đầm ấm, đó là nhân dân cả nước, trong đó có Đại đoàn của các chú"!
Gác lại việc riêng để lo việc chung, văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa sống vì người khác, nghĩ cho người khác. Đó còn là văn hóa chống chủ nghĩa cá nhân vụ lợi vốn dĩ là nguồn cơn của mọi thói hư tật xấu trong đội ngũ cán bộ nhất là tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí tiêu cực, thứ giặc nội xâm mà Trung ương Đảng ta đang ra sức đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi.
Tinh thần phục vụ trong văn hóa sống của Bác còn dựa trên tư tưởng “dân là gốc” và luôn coi dân là chủ. Cán bộ là đầy tớ của dân. Bác nói: Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân; cái gì có lợi cho Tổ quốc là chân lý. Vì thế Bác yêu cầu và mong mỏi: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Kỷ niệm lần thứ 134 năm Ngày sinh của Bác trong không khí cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Trung ương đang kiên trì, quyết liệt thực hiện với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” mới thấy hết giá trị to lớn của văn hóa Hồ Chí Minh, dù mới chỉ nhìn nhận với hai từ “phục vụ”.
3. Cùng với sự tỏa sáng của văn hóa Hồ Chí Minh, trong thế giới nghệ thuật không chỉ của riêng các văn nghệ sĩ Việt Nam mà cả không ít văn nghệ sĩ quốc tế, Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng lớn. Những sáng tác phong phú về Người thực sự đã làm giàu có thêm cho gia tài văn hóa của dân tộc Việt Nam và cả của nhân loại tiến bộ.
Đó cũng là lý do, từ nhiều năm nay, cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn thu hút đông đảo văn nghệ sĩ tham gia; dẫu rằng vẫn chưa có nhiều tác phẩm mới sáng tác về Bác thực sự xứng tầm, làm lay động lòng người.
Chưa kể, văn hóa Hồ Chí Minh còn là động lực thôi thúc các địa phương, cơ quan, đơn vị vận dụng vào việc xây dựng xã hội và con người. Thủ đô Hà Nội đang huy động cả hệ thống chính trị tham gia với quyết tâm đưa văn hóa trở thành nguồn động lực phát triển mới, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là sự cụ thể hóa tinh thần văn hóa Hồ Chí Minh. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh là nơi tiên phong trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Nhiệm vụ này đã được ghi rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.
Dẫu việc thực hiện nhiệm vụ như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh đặt ra còn đòi hỏi rất nhiều cố gắng, song đây là chủ trương đúng đắn, là cách làm, là mô hình rất đáng để các địa phương trên cả nước quan tâm nghiên cứu cùng thực hiện.