Sức khỏe

Kiểm soát huyết áp - “Chìa khóa” sống khỏe mạnh

Thu Trang 17/05/2024 - 06:41

Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp (17-5) năm nay có chủ đề “Đo huyết áp đúng - kiểm soát huyết áp tốt - sống khỏe” một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp chính là “chìa khóa” để có cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Trên thực tế, tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng nên nhiều người chủ quan, lâu ngày dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận…

huyet-ap.jpg
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên) kiểm tra huyết áp cho người dân. Ảnh: Thu Ninh

Khoảng 50% người bệnh không biết mình bị bệnh

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở khu vực châu Á, bao gồm Việt Nam, lên tới 28,3%. Tuy nhiên, có tới 50% người bệnh chưa có nhận thức tốt về tăng huyết áp.

Một nghiên cứu về bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng tại Việt Nam được thực hiện với 23.307 người từ 18 tuổi trở lên cũng cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị tăng huyết áp chiếm hơn 33%, trong đó chỉ có hơn 52% người biết mình bị bệnh. Ngoài ra, có hơn 20% người bệnh không điều trị tăng huyết áp và hơn 41% chưa kiểm soát huyết áp.

Đề cập đến thực trạng quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, năm 2022, số lượng bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý tại bệnh viện là 6.120 người, đến năm 2023 tăng lên là 7.895 người và ước tính năm 2024 có khoảng 8.500 bệnh nhân.

Điều đáng nói, tỷ lệ bệnh nhân bị tăng huyết áp đơn thuần chỉ chiếm 24%, còn lại 76% bệnh nhân tăng huyết áp có kèm theo các bệnh lý mãn tính khác. Cụ thể, bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường chiếm tỷ lệ cao nhất 56%; tiếp đến là rối loạn chuyển hóa mỡ máu chiếm 19%; có kèm bệnh tim mạch chiếm 15%; tai biến mạch máu não có tăng huyết áp là 10%; suy thận chiếm 3% và suy tim chiếm 2%.

Theo các chuyên gia y tế, biến chứng của tăng huyết áp thường rất nặng nề, để lại những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Thế nhưng, số liệu nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp.

Thực tế là nhiều người còn chủ quan, chưa chú trọng đến việc đo huyết áp và chủ động tầm soát. Điều đó khiến cho số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Khi người bệnh mắc tăng huyết áp nếu không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan đích và gây ra biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tiến sĩ Hoàng Việt Anh, Phó Trưởng phòng C2, Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, theo các số liệu thống kê, cứ 3 người trên 18 tuổi có 1 người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, các cơ sở y tế mới chỉ quản lý được 20% trong số đó.

“Chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân có tuổi đời rất trẻ nhưng đã bị tăng huyết áp kèm bệnh lý tim mạch, đái tháo đường. Nguyên nhân là do áp lực công việc, cuộc sống, chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên thức khuya, hút nhiều thuốc lá, ít vận động, thừa cân, béo phì…”, Tiến sĩ Hoàng Việt Anh nói.

Đừng “lười” hỏi bác sĩ

Để quản lý tăng huyết áp toàn diện, theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thu Hiền, cần có sự phối hợp của nhân viên y tế, bệnh nhân và việc quản lý của bệnh viện. Đối với nhân viên y tế, đầu tiên là phải đo huyết áp chính xác. Không chỉ khoa, phòng tim mạch mà nhân viên y tế của các chuyên khoa khác cũng cần phải nắm được các phân độ tăng huyết áp và huyết áp mục tiêu. Riêng đối với bác sĩ điều trị phải được đào tạo, hiểu biết sâu rộng về tăng huyết áp và hệ lụy của nó; đồng thời liên tục cập nhật kiến thức và sử dụng các thuốc phối hợp để nâng cao tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu.

Đối với bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thu Hiền lưu ý, người bệnh phải tuân thủ việc thăm khám thường xuyên; uống thuốc đúng toa, đủ liều, đều đặn mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh cần nhận thức được các con số huyết áp, chủ động liên hệ với nhân viên y tế khi huyết áp bất thường. Về phía bệnh viện phải bảo đảm cung ứng đủ thuốc và mở rộng các dịch vụ chăm sóc, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh tăng huyết áp.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm nay, tại nhiều bệnh viện trên cả nước triển khai chiến dịch truyền thông và đo huyết áp miễn phí cho người dân với thông điệp “Huyết áp trên 140/90, đừng “lười” hỏi bác sĩ”.

Thông điệp này nhằm nhắc nhở người dân, bệnh nhân về tầm quan trọng của việc đo huyết áp, nắm được chỉ số huyết áp của bản thân để chủ động chia sẻ với bác sĩ trong các lần thăm khám nếu huyết áp đo được lớn hơn 140/90mmHg. Từ đó, bệnh nhân phối hợp nhịp nhàng hơn với bệnh viện trong quá trình quản lý bệnh và kiểm soát huyết áp chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, những bệnh nhân bị tăng huyết áp cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám định kỳ và không được tự ý bỏ thuốc.