Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công
Tài sản công là nguồn lực quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước cũng như mỗi địa phương. Vì vậy, việc quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản công là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Tại thành phố Hà Nội, công tác quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua được triển khai hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm. Năm 2023, thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.427 cơ sở nhà, đất. Số lượng nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của thành phố được phê duyệt phương án sắp xếp lần đầu đạt tỷ lệ cao. Thành phố cũng tăng cường quản lý, sử dụng xe ô tô theo hướng hiệu quả, thiết thực...
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, quản lý, sử dụng xe ô tô và khai thác tài sản công tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc sắp xếp lại nhà, đất, xe ô tô chậm cả ở khâu phê duyệt và tổ chức thực hiện. Vi phạm trong quản lý, mua sắm, xử lý tài sản công còn diễn ra... Trong khi đó, cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn bất cập, dồn nhiều lên cơ quan cấp trên.
Để tháo gỡ những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, tại kỳ họp thứ mười sáu diễn ra ngày 15-5 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.
Với 4 chương và 16 điều, nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh việc tài sản công phải được đầu tư, trang bị và sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện công khai, minh bạch. Vì thế, mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan của thành phố cần sớm triển khai các nội dung của Nghị quyết trên nguyên tắc chung là phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; đồng thời, phù hợp với quy định về phân cấp kinh tế - xã hội, tình hình thực tế và yêu cầu công tác quản lý tài chính, tài sản công của thành phố.
Các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài chính, tài sản công; cập nhật, chuẩn hóa thông tin tài sản công trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công; đồng thời, xây dựng, kiện toàn mô hình, bộ máy cơ quan quản lý tài sản công và đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý tài sản công.
Để triển khai nghị quyết hiệu quả, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thực hiện theo đúng thẩm quyền đã được thành phố phân cấp và bảo đảm đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố. Đặc biệt là cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, chuyên đề và đột xuất trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công sao cho minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm và tránh lãng phí không cần thiết.