Con đường chính trị của Thủ tướng Slovakia vừa bị bắn trọng thương
Ông Robert Fico là vị thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy ở Slovakia, thường lên tiếng chỉ trích giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các công tố viên.
Vụ ám sát chấn động
Theo tờ The Guardian, ông Robert Fico đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba của quốc gia Trung Âu Slovakia. Ngày 15-5, ông bị bắn ở thị trấn Handlová, nơi ông đang gặp những người ủng hộ và được đưa đến bệnh viện.
Ngày 15-5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Môi trường Slovakia Tomas Taraba cho biết, Thủ tướng Fico hiện đã qua cơn nguy kịch.
Truyền thông Slovakia cho biết, Thủ tướng Fico đã trải qua cuộc phẫu thuật và ở trong tình trạng ổn định.
Trước đó vài giờ, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak cho biết, Thủ tướng Fico bị “đa chấn thương nghiêm trọng” sau khi bị bắn.
Video khoảnh khắc ông Fico bị bắn (nguồn: Reuters):
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matus Sutaj Estok khẳng định, vụ ám sát nhằm vào Thủ tướng Fico mang động cơ chính trị và quyết định hành động của nghi phạm được đưa ra ngay sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, với chiến thắng thuộc về ông Peter Pellegrini.
Báo chí Slovakia đưa tin, nghi phạm là một người đàn ông 71 tuổi, cựu nhân viên bảo vệ tại một trung tâm mua sắm, đồng thời là tác giả của 3 tập thơ và là thành viên của Hội Nhà văn Slovakia. Tuy nhiên, hiện chưa rõ động cơ của đối tượng này. Tay súng tấn công Thủ tướng Fico đã bị cảnh sát bắt giữ tại hiện trường.
Lịch sử Slovakia - quốc gia thành viên của cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) - hiếm khi ghi nhận các vụ bạo lực chính trị.
Ngay sau vụ việc, các lãnh đạo thế giới đã lên tiếng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres ngày 15-5 đã kịch liệt lên án vụ ám sát Thủ tướng Fico.
Người phát ngôn LHQ Farhan Haq nêu rõ: “Tổng Thư ký LHQ António Guterres cực lực lên án vụ tấn công hèn hạ hôm nay (15-5) nhằm vào Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Tổng Thư ký LHQ hướng về Thủ tướng Fico và những người thân yêu của ông trong thời điểm khó khăn này”.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả vụ nổ súng tấn công ông Fico là “tội ác ghê tởm” và bày tỏ hy vọng Thủ tướng Slovakia sẽ nhanh chóng bình phục. Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Putin chia sẻ: “Tôi biết ông Robert Fico là một người dũng cảm và có tinh thần mạnh mẽ. Tôi rất hy vọng những phẩm chất này sẽ giúp ông trụ vững trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay”.
Cũng trong ngày 15-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án vụ nổ súng đe dọa tính mạng của Thủ tướng Fico là “hành vi bạo lực khủng khiếp”. Tổng thống Biden cho biết, ông và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đang cầu nguyện cho Thủ tướng Fico hồi phục nhanh chóng.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ ông bị sốc với vụ ám sát. Nhà lãnh đạo Pháp cực lực lên án hành động này, đồng thời khẳng định tình đoàn kết với Thủ tướng Fico, gia đình ông và nhân dân Slovakia.
Ông Robert Fico là ai?
Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động vào ngày 15-9-1964, ông Fico là một luật sư chuyên nghiệp, bắt đầu sự nghiệp chính trị tại Đảng Cộng sản ngay trước Cách mạng Nhung năm 1989 dẫn đến sự tan rã của Tiệp Khắc cũ.
Ông là đại diện của Slovakia tại tòa án nhân quyền châu Âu từ năm 1994 đến năm 2000. Sau khi bị đảng Dân chủ cánh tả từ chối cho ông giữ chức vụ bộ trưởng, ông đã thành lập đảng trung tả Smer-SD vào năm 1999.
Đảng Smer-SD đã giành chiến thắng vang dội vào năm 2006, đưa ông Fico vào ghế thủ tướng hai năm sau khi Slovakia gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Năm 2009, ông đưa đất nước này gia nhập khu vực đồng euro nhưng không thể thành lập liên minh vào năm sau dù giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Ông đã có thêm một chiến thắng vang dội vào năm 2012 sau khi liên minh trung hữu sụp đổ vì các cáo buộc tham nhũng, và lại giành chiến thắng vào năm 2016. Tuy nhiên, ông phải từ chức hai năm sau đó trong bối cảnh các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra sau vụ sát hại một nhà báo điều tra và vợ sắp cưới.
Vào tháng 10-2023, là người đứng đầu liên minh dân túy - dân tộc chủ nghĩa, ông trở lại làm Thủ tướng Slovakia trong nhiệm kỳ thứ ba.
Sự nghiệp của ông có nhiều cáo buộc tham nhũng mà ông luôn phủ nhận. Ông Fico vốn là người thẳng tính, bộc trực, thích tập thể hình, bóng đá và xe tốc độ.
Khuynh hướng chính trị
Thủ tướng Fico ngưỡng mộ cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Về ông Putin, ông Fico tuyên bố sẽ không cho phép bắt giữ Tổng thống Nga theo lệnh quốc tế nếu ông Putin đến Slovakia. Về Thủ tướng Hungary, ông Fico mô tả ông Orbán là người bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân.
Thủ tướng Fico cũng là một nhà chiến thuật. Trong sự nghiệp kéo dài ba thập kỷ, ông đã chuyển hướng thành công giữa quan điểm chính thống, ủng hộ EU và lập trường theo chủ nghĩa dân tộc quyết liệt, chống phương Tây, chứng tỏ ông sẵn sàng thay đổi chiến thuật tùy thuộc vào dư luận hoặc thực tế chính trị.
Ông Fico khẳng định rằng mình chỉ quan tâm đến lợi ích của người Slovakia. Ông luôn thẳng thắn trong nhiều vấn đề, có quan điểm chỉ trích EU và các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Ông cũng phản đối quyết liệt vấn đề nhập cư - yếu tố then chốt giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 - và bác bỏ ý tưởng về một cộng đồng Hồi giáo riêng ở Slovakia. Gần đây hơn, ông có quan điểm chỉ trích hôn nhân đồng giới.
Trong đại dịch Covid-19, ông đã trở thành nhân vật cấp cao nhất Slovakia phản đối đeo khẩu trang, phản đối phong tỏa và tiêm chủng. Trước khi nhậm chức trở lại vào tháng 10-2023, ông đã tận dùng tâm lý thân Nga mức độ cao ở Slovakia để làm suy yếu đường lối thân phương Tây của chính phủ.
Những sự kiện trong nhiệm kỳ thứ ba
Một số người cho rằng, ông Fico đang từ bỏ đường lối thân phương Tây của Slovakia và đi theo con đường của Hungary dưới thời Thủ tướng Orbán. Hàng nghìn người đã biểu tình ở thủ đô và khắp Slovakia để phản đối chính sách của ông Fico.
Vào tháng 2, các nghị sĩ đã thông qua những thay đổi pháp lý nhằm loại bỏ văn phòng công tố viên đặc biệt chuyên giải quyết các vụ tham nhũng cấp cao, giảm hình phạt đối với tội phạm tài chính và cắt giảm thời hiệu đối với tội hiếp dâm.
Vào tháng 4, Chính phủ Slovakia đã thông qua đề xuất bãi bỏ đài truyền hình công cộng và thay thế bằng một cơ quan mới. Kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các đảng đối lập vì họ cho rằng sẽ trao cho chính phủ toàn quyền kiểm soát đài phát thanh và truyền hình công cộng.
Cũng trong tháng 4, ông Peter Pellegrini, một đồng minh thân cận của ông Fico, đã giành chiến thắng tại cuộc bỏ phiếu vòng hai trong cuộc bầu cử tổng thống trước ứng cử viên đối lập theo chủ nghĩa tự do và thân phương Tây Ivan Korčok.
Ông Pellegrini sắp kế nhiệm bà Zuzana Čaputová, nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Slovakia. Bà Čaputová, một người ủng hộ trung thành của Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào tháng 6-2023 sau khi bị dọa giết.