Vì sao chợ Thủ Đức vẫn ngập dù đã có cống tiêu thoát nước mới?
Sau cơn mưa chiều tối 15-5, khu vực quanh chợ Thủ Đức ngập nặng. Đáng chú ý, khu vực này mới đưa vào sử dụng hệ thống chống ngập.
Mới chống ngập nhưng chưa hết ngập
Sáng 16-5, anh Hoàng Đức Chính ngụ tại đường Võ Văn Ngân (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) xin công ty cho nghỉ nửa ngày để dọn dẹp hậu quả trận mưa khiến nước tràn vào nhà tối qua và đi sửa chiếc xe máy bị ngập trong nước lúc anh đón con về gần nhà. “Mưa lớn, đường dốc nên nước dồn hết về phía nhà tôi gần chợ Thủ Đức, gây ngập gần hết bánh xe máy”, anh Chính nói.
Theo Cơ quan Khí tượng - Thủy văn thành phố Hồ Chí Minh, cơn mưa chiều tối 15-5 trút xuống khu vực chợ Thủ Đức có lưu lượng khá lớn, lên đến 121mm. Sau cơn mưa, những tuyến đường trọng yếu trong khu vực, vốn là “điểm đen” ngập lụt lâu nay, gồm: Dương Văn Cam, Lê Văn Ninh, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư đã bị ngập ở các mức độ khác nhau.
Ngập nặng nhất là đường Võ Văn Ngân, bởi con đường này dốc từ ngã tư Thủ Đức về chợ Thủ Đức, nên nước ở các nơi dồn về đây trước khi thoát ra khu vực cầu Ngang.
Đây cũng chính là khu vực thuộc dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân và dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông được khánh thành ngày 27-4 vừa qua. Dự án này khởi công từ năm 2020, quy mô dài 2,5km, tổng vốn đầu tư hơn 248 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án xây dựng hệ thống cống hộp mới bề rộng và ngang, mỗi chiều hơn 1m, thay cho cống tròn cũ có đường kính từ 0,6 đến 0,8m trước kia, tăng lưu lượng tiêu thoát nước cho khu vực chợ Thủ Đức, nhất là các tuyến đường Võ Văn Ngân và Đặng Văn Bi.
Theo Trung tâm Phát triển - Quản lý hạ tầng thành phố Thủ Đức, ngoài lý do cơn mưa chiều qua có lưu lượng lớn, việc đường Võ Văn Ngân và một số tuyến đường trong khu vực vẫn bị ngập còn do hệ thống tiêu thoát nước chưa đồng bộ. Cụ thể, mới chỉ có hệ thống cống mới cho đường Võ Văn Ngân thoát nước ra rạch cầu Ngang.
Những tuyến đường khác như Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư và các tuyến đường kết nối với chợ Thủ Đức chưa có hệ thống thoát nước. Vì vậy, khi mưa lớn, nước dồn về khu vực lòng chảo quanh chợ Thủ Đức gây ngập. Thậm chí, áp lực nước còn làm bật tung 1 nắp cống thoát nước…
“Tình trạng ngập chỉ có thể được giải quyết triệt để khi hệ thống thoát nước được xây dựng đồng bộ hơn trong thời gian tới”, Giám đốc Trung tâm Phát triển - Quản lý hạ tầng thành phố Thủ Đức Dương Văn Tấn cho biết.
Sớm đồng bộ để giảm ngập
Nhận định của ông Tấn phù hợp với thực tế mà người dân khu vực này ghi nhận sau cơn mưa chiều qua.
Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, bà Trương Hoàng Phương, 64 tuổi, sinh sống lâu năm cạnh chợ Thủ Đức cho biết: “Trước đây khi mưa lớn, khu vực này ngập cả tiếng đồng hồ. Nước chảy xiết theo dốc đường Võ Văn Ngân còn cuốn trôi cả xe máy. Nay cảnh đó không còn. Nước dù vẫn ngập sâu nhưng không chảy xiết; chỉ khoảng 20 phút sau mưa, nước đã tiêu thoát hết…”.
Theo đánh giá của Trung tâm Phát triển - Quản lý hạ tầng thành phố Thủ Đức, thực tế trên cho thấy hệ thống thoát nước mới đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để giải quyết úng ngập cho cả khu vực “rốn ngập”, một hệ thống cống mới là chưa đủ. Những đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành… cũng phải có hệ thống thoát nước; rạch cầu Ngang (nơi thoát nước mưa) cần được nạo vét, khơi thông để tăng lưu lượng thoát nước.
“Chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố Thủ Đức xây dựng đề án này, trình HĐND thành phố và hy vọng được thông qua trong năm nay”, ông Dương Văn Tấn nói.
Cùng với đó, UBND thành phố Thủ Đức cũng đang xây dựng kế hoạch nạo vét rạch Thủ Đức, vận hành cống kiểm soát triều ở Thủ Đức; làm hồ trữ nước ngầm để điều tiết nước đầu đường Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi..., tạo sự đồng bộ cho hệ thống chống ngập mới để chống ngập toàn diện.
Về lâu dài, để chống ngập cho Thủ Đức, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND thành phố xây dựng Dự án Quản lý rủi ro ngập lụt ở Thủ Đức với tổng vốn 430 triệu USD. Dự án chia thành 3 hợp phần gồm giải phóng mặt bằng; cải tạo xây mới nhiều hạng mục thoát nước, đê bao, trạm bơm, hồ điều tiết nhà máy xử lý nước thải…
Nếu dự án được phê duyệt sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị và triển khai giai đoạn 2026-2030. Khi hoàn thành, dự án được trông đợi sẽ mang lợi ích trực tiếp cho khoảng 360.000 người đang sinh sống tại khu Gò Dưa cùng hơn 1 triệu người dân của thành phố Thủ Đức.