Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh đổi mới sáng tạo khu vực công

Nam Trung 16/05/2024 - 14:17

Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã và đang có nhiều hoạt động xây dựng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Nhiều kết quả tích cực

Phần mềm “Quản lý chợ truyền thống” đã được Sở Khoa học và Công nghệ giới thiệu đến Phòng Kinh tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức từ giữa năm 2022 đến nay. Qua thực tế triển khai, phần mềm này chứng tỏ là công cụ rất hữu ích cho công tác quản lý chợ và đã được triển khai đến khắp các đơn vị cấp huyện.

Phần mềm quản lý chợ truyền thống tại thành phố Hồ Chí Minh đã chứng tỏ nhiều tiện ích qua gần 2 năm triển khai trên thực tế. Ảnh chụp màn hình.
Phần mềm quản lý chợ truyền thống tại thành phố Hồ Chí Minh đã đem lại nhiều tiện ích qua gần 2 năm triển khai trên thực tế. Ảnh chụp màn hình.

Là một trong những đơn vị đưa phần mềm này vào quản lý, bà Nguyễn Thị Hòa (Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Phú Nhuận) cho biết: Trước đây, công tác quản lý làm thủ công, nên mất nhiều thời gian, công sức; số liệu không cập nhật kịp thời, thiếu chính xác, nên rất khó khăn cho việc quản lý…

“Từ khi áp dụng phần mềm quản lý chợ, tiểu thương biết ngay sạp nào trong chợ còn trống, giá cả ra sao để lên kế hoạch tiếp quản hoặc mở rộng kinh doanh; được nhắc hoàn thiện các thủ tục, nghĩa vụ thuế còn thiếu. Ban Quản lý chợ nắm được ngay các sạp bán gì, tình hình kinh doanh ra sao, nguồn gốc hàng hóa thế nào… Khi muốn thống kê, báo cáo, chỉ mất khoảng vài phút để có số liệu tổng hợp xác thực...”, bà Nguyễn Thị Hòa thông tin.

a118.jpg
Với phần mềm EMR, mọi dữ liệu trong bệnh viện được số hóa, liên thông giữa các khoa phòng và giữa các bệnh viện theo chuẩn chung của Bộ Y tế. Ảnh: CP

Trong lĩnh vực Y tế, từ đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đã thực hiện và ứng dụng thành công phần mềm EMR từ năm 2023 đến nay. Phần mềm có khả năng liên thông dữ liệu y tế, quản lý giữa các khoa, phòng, ban khác nhau trong bệnh viện, giữa các bệnh viện với nhau, góp phần xây dựng và quản lý bệnh án điện tử toàn thành phố.

a119.jpg
Hệ thống PACS có trong phần mềm EMR có thể số hóa mọi loại phim chụp y tế, phục vụ chẩn đoán bệnh, lưu trữ và liên thông dữ liệu. Ảnh: PS

Là bệnh viện công lập đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh triển khai bệnh án điện tử từ ngày 1-1-2024 và là một trong những bệnh viện thử nghiệm phần mềm EMR nêu trên, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Theo Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đơn vị đã không còn phải sử dụng hồ sơ giấy tờ như trước. Mọi tài liệu, bệnh án, thậm chí các loại phim chụp đã được số hóa, liên thông trên môi trường điện tử giữa các đơn vị trong bệnh viện và sẵn sàng kết nối với hệ thống bệnh án điện tử chung trên cả nước theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Tiếp tục phát huy

Theo bà Phan Quý Trúc, Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh), hệ thống đơn vị khu vực công tại Việt Nam chiếm khoảng 15% lực lượng lao động và chiếm 25% chi tiêu lao động của toàn xã hội, là nơi tạo ra quy định chung cho toàn xã hội. Do đó, những giải pháp, ý tưởng mới nhằm giải quyết bài toán, nhu cầu cho xã hội là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết.

a120a.jpg
Thành phố Thủ Đức là đơn vị cấp huyện mới nhất của thành phố Hồ Chí Minh đưa Trung tâm Hành chính công theo cơ chế "một cửa" vào hoạt động. Ảnh: CN

Nhu cầu đổi mới từ cơ sở cũng rất cấp thiết. Đơn cử, Chủ tịch UBND phường 9 (quận 11) Trần Linh Đông cho biết: "Chúng tôi đã đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học giải bài toán cụ thể nhằm giải quyết vướng mắc lớn nhất của phường hiện nay là dữ liệu quản lý rời rạc, chồng chéo, không thống nhất, dẫn đến khó khăn trong báo cáo, hoạch định, chưa đáp ứng đủ và đúng nhu cầu phục vụ".

Nhiều cấp, ngành khác tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt hàng tương tự. Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã phát động cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 (Gov.Star 2024)", nhằm tập hợp các giải pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… để cải thiện chất lượng hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng thông tin, những hoạt động trên của Sở đã và đang góp phần cùng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) năm 2024.

a122.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ công tác quản lý, điều hành theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: CN

Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025, có 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình được định danh và xác thực điện tử; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân được lưu trữ điện tử; 80% tỷ lệ hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa theo quy định...

"Thành phố xác định đến năm 2030, địa phương trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số", ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.