Vận động học sinh không thi vào lớp 10, vì sao tái diễn?
Những ngày qua, liên tiếp thông tin “tố” nhà trường vận động, ép học sinh làm đơn không đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở một số địa phương khiến dư luận bức xúc. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng việc lặp lại tình trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý cần có biện pháp ngăn chặn.
Phụ huynh học sinh bức xúc
Hôm qua, 15-5, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã khẳng định thông tin 2 học sinh nữ nhảy cầu tự tử do bị nhà trường cấm thi vào lớp 10 là không chính xác. Nguyên nhân sự việc ở Bắc Ninh đang được cơ quan chức năng điều tra, tuy nhiên, liên tiếp thông tin phản ánh tại một số địa phương về việc nhà trường vận động, ép buộc học sinh không đăng ký dự tuyển vào lớp 10 tiếp tục khiến dư luận xã hội lo lắng, bức xúc. Điển hình là việc phụ huynh phản ánh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa (thành phố Hồ Chí Minh) phát đơn “xin không thi tuyển vào lớp 10”. Chính quyền địa phương đã xác nhận việc nhà trường phát đơn như vậy là không đúng quy định và kiểm điểm lãnh đạo nhà trường, yêu cầu bảo đảm quyền lợi đăng ký dự thi cho học sinh.
Tại Hà Nội, vài ngày nay, thông tin phản ánh của phụ huynh học sinh về việc Trường Trung học cơ sở Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) không được đăng ký dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025 đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Theo phản ánh, tại trường này, có một số học sinh không được nhà trường phát “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025”. Phụ huynh học sinh chỉ biết sự việc vào đầu tháng 5, khi hạn nộp đơn dự tuyển đã kết thúc. Trước đó, phụ huynh chỉ được giáo viên thông báo là học lực của con kém nên định hướng cho con học nghề.
Sáng 16-5, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Phòng đã khẩn trương xác minh và báo cáo UBND huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Phòng cũng đã chỉ đạo nhà trường rà soát hồ sơ từng học sinh, nếu đủ điều kiện theo quy định, học sinh và gia đình có nguyện vọng đăng ký dự thi thì báo cáo cơ quan quản lý, hỗ trợ tối đa để bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Thời điểm này, các học sinh đã được hướng dẫn đăng ký dự thi theo nguyện vọng, trừ học sinh không đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở. 16 học sinh của trường vừa hoàn thành việc đăng ký dự thi.
Trước đó, dư luận xã hội cũng phản ánh một số học sinh Trường Trung học cơ sở An Thượng (huyện Hoài Đức) được nhà trường yêu cầu viết đơn theo mẫu về việc xin không tham gia kỳ thi vào lớp 10 với lý do học lực không được tốt. Qua xác minh ở 8/8 lớp 9 của trường, cơ quan quản lý xác định không có việc vận động, yêu cầu học sinh viết đơn không dự thi như phản ánh.
Tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm
Năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ tuyển sinh là câu chuyện về việc vận động hoặc có dấu hiệu ép buộc học sinh ký đơn không đăng ký dự tuyển vào lớp 10 lại “nóng” khắp diễn đàn. Ghi nhận thực tế cho thấy, sự việc này thường diễn ra ở các thành phố lớn, nơi đông dân số, số lượng học sinh tăng nhanh. “Có thể lo lắng, sợ học sinh không trúng tuyển trường công sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp mình, trường mình nên giáo viên, nhà trường đã vận động những học sinh có học lực chưa tốt không đăng ký dự thi” – bà Nguyễn Thị Thu Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), việc phân luồng sau cấp trung học cơ sở là cần thiết, nhưng vẫn phải đặt quyền lợi và nguyện vọng học tập của học sinh lên cao nhất. Ranh giới giữa việc hỗ trợ, cung cấp thông tin và tư vấn về con đường học tập sau khi học hết lớp 9 với việc định hướng mang tính áp đặt rất mong manh, khó xác định. Thế nên mới có chuyện sau khi sự việc xảy ra, giáo viên đều phân bua rằng chỉ tư vấn, nhưng lại khiến phụ huynh hiểu nhầm thành ép buộc. Cơ quan quản lý cần rà soát kỹ, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, tránh tái diễn tình trạng tương tự, đừng vì thành tích mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không đưa kết quả thi tuyển vào lớp 10 trường công lập vào tiêu chí thi đua. Chủ trương của thành phố là bảo đảm quyền lợi học tập và dự thi của mọi học sinh theo nguyện vọng. Việc đăng ký dự thi vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Sở nghiêm cấm các hành vi vận động, ép buộc học sinh không đăng ký dự thi dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát, nắm bắt thông tin và xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm.
Từ nay tới ngày 31-5, hội đồng xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở của các quận, huyện, thị xã triển khai công tác xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 9.
Tiêu chuẩn xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở với học sinh lớp 9 gồm: Xếp loại hạnh kiểm cả năm học lớp 9 từ trung bình trở lên; xếp loại học lực cả năm học lớp 9 từ trung bình trở lên, nếu không thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích.
Trong trường hợp thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích, học sinh đủ tiêu chuẩn xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở nếu xếp loại học lực yếu nhưng các môn học tính điểm trung bình đạt từ 3,5 điểm trở lên, trong đó, môn toán hoặc môn ngữ văn đạt từ 5,0 trở lên.