Nông nghiệp

Sản xuất lúa theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ

Ngọc Quỳnh 15/05/2024 - 06:55

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng các vùng trồng lúa chất lượng cao, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ hợp tác xã, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Việc này, không chỉ giúp hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, mà còn giúp các ngành chức năng kiểm soát được chất lượng lúa gạo trên thị trường.

vietgap.jpg
Kiểm tra chất lượng vùng lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc

Thay đổi tập quán sản xuất

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà (huyện Đông Anh) Lê Văn Tỵ, Liên Hà là xã trọng điểm sản xuất lúa của huyện Đông Anh, với diện tích đất tự nhiên là 821,5ha, trong đó đất nông nghiệp có khoảng 521ha. Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Thủ đô, trong vụ xuân 2024, xã đã xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Toàn bộ quá trình sản xuất được quản lý chặt chẽ, minh bạch và bảo đảm các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Đến nay, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và dự kiến năng suất lúa cao hơn từ 10% đến 20% so với phương pháp cấy truyền thống.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, vụ xuân 2024, hợp tác xã đã gieo trồng khoảng 70ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ xây dựng mô hình này, các thành viên trong hợp tác xã đã thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hướng an toàn, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân; trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 10-20 tấn gạo và vào những tháng cao điểm, dịp cuối năm có thể lên tới 40 tấn gạo/tháng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Hà Nội có khoảng 160.000ha sản xuất lúa. Để phát triển sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng vùng trồng lúa tập trung, quy mô lớn. Trong vụ xuân 2024, Hà Nội đã hỗ trợ triển khai các mô hình lúa VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 50ha tại 3 điểm: Xã Liên Hà (huyện Đông Anh), xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) và xã Thạch Đà (huyện Mê Linh), với 338 hộ tham gia thực hiện. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình 875kg giống lúa TBR 225 và 68,725 tấn phân bón các loại, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng. Ngoài việc sử dụng phân hữu cơ để bón, mô hình còn áp dụng giải pháp gieo mạ khay và cấy bằng máy, giúp ruộng lúa thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

“Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khi tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, như: Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng. Thông qua mô hình, giúp người dân thay đổi nhận thức, từ sản xuất theo lối truyền thống sang nắm bắt được quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ…”, bà Vũ Thị Hương thông tin thêm.

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Tuy nhiên, việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP còn gặp không ít khó khăn, do quy mô nhỏ lẻ, manh mún; một số hộ dân ngại thay đổi tập quán canh tác, nên việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất bị hạn chế. Việc liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm lúa gạo VietGAP giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chưa có sự gắn kết và đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh…

Để nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) Đỗ Huy Cường cho rằng, các ngành chức năng cần hỗ trợ cho các hợp tác xã, hộ nông dân tham gia mô hình về giống, phân bón, thuốc bảo vệ sinh học; mở các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức về khoa học, kỹ thuật, giúp nông dân áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… Tạo điều kiện để các hợp tác xã gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân để nâng cao tỷ lệ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã cơ giới hóa sản xuất lúa để giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, tiến tới xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng lớn, bảo đảm chất lượng ổn định. Ngành Nông nghiệp cũng sẽ phối hợp với những sở, ngành liên quan hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu lúa gạo để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu.