Để có những nông dân chuyên nghiệp
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân không là ngoại lệ.
Lâu nay, hình ảnh “lão nông tri điền” thường khiến chúng ta liên tưởng đến những người nông dân hằng ngày “chân lấm, tay bùn”, “một nắng, hai sương” gắn bó với ruộng đồng. Thế nhưng, với bối cảnh phát triển mới, những năm gần đây đã dần hình thành nên lớp nông dân biết ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị nông sản.
Nói vậy để thấy, nông nghiệp đang dần trở thành ngành sản xuất, kinh doanh hiện đại, dựa trên khoa học công nghệ, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm đơn thuần “trông trời, trông đất, trông mây…”. Đây cũng chính là lý do căn bản đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp hiệu quả trang bị kiến thức, kỹ năng để tiến tới “tri thức hóa nông dân”.
Tuy vậy, nhìn vào thực tế hiện nay không thể không nhắc đến những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục cho được trước khi muốn “tri thức hóa nông dân”. Nổi lên là cùng với tỷ lệ lao động nông nghiệp liên tiếp giảm trong những năm gần đây, thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã thu hút nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là người đã “luống tuổi”.
Chưa kể, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo còn thấp so với tổng số lao động nông nghiệp. Trong khi đó, công tác đào tạo của ngành Nông nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Vì thế, chất lượng lao động chuyển đổi chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh mới.
Với tầm nhìn mới, tư duy mới, trong Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11-5-2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TƯ ngày 20-12-2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, là hạt nhân thúc đẩy quá trình “tri thức hóa nông dân”.
Như vậy, để “tri thức hóa nông dân”, những công việc các cấp, ngành, địa phương phải làm là đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ chức nông dân; phân loại hộ nông dân để có giải pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ thông tin, phát triển nông nghiệp khác nhau. Đặc biệt, các ngành chức năng cùng các địa phương cần xây dựng những mô hình sáng tạo, đổi mới trong nông nghiệp phù hợp với từng nhóm hộ nông dân; nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho người nông dân để họ tiếp cận, áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh…
Xét về tổng thể, muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có nông dân chuyên nghiệp, muốn có nông dân chuyên nghiệp thì phải “tri thức hóa nông dân”. Và “tri thức hóa nông dân” chính là nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất, kinh doanh, thương mại nông sản và kiến thức kinh tế - xã hội. Nói cách khác, bằng tình yêu với nghề nông cộng với nhanh nhạy trong cập nhật tri thức mới, sẽ ngày càng có nhiều nông dân thành thạo kỹ năng mới để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn, khai thác một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trên chính ruộng đồng của mình...