Trung Quốc phát động chiến dịch chấm dứt hành vi tiêu cực trong trường học
Theo Reuters, ngày 14-5, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết đang phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm giải quyết các vấn đề bao gồm bài tập về nhà quá nhiều và nạn bắt nạt trong trường học.
Chiến dịch này được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc tiến hành chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần cho giáo viên và học sinh, đặc biệt tập trung vào trẻ em di cư ở nông thôn hoặc những trẻ em “bị bỏ lại phía sau” có cha mẹ làm việc ở các thành phố lớn trong suốt cả năm.
Thông tư được công bố trên trang web của Bộ Giáo dục, nêu chi tiết 12 hành vi tiêu cực tại các trường học, bao gồm việc xâm phạm thời gian nghỉ 10 phút theo lịch trình của học sinh, bỏ mặc và dung túng cho hành vi bắt nạt, và các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều kỳ thi khác nhau nhằm mục đích tuyển chọn học sinh. Các hoạt động bị cấm khác gồm che giấu hoặc xử lý sai các vụ tai nạn nghiêm trọng, phân biệt đối xử với học sinh thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, trừng phạt thân thể học sinh hoặc thu phí trái phép.
Theo Tân Hoa xã, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo chính quyền địa phương sàng lọc danh sách tiêu cực, tiến hành tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp khắc phục. Ngoài ra, chính quyền sẽ thúc đẩy chiến dịch thông qua nhiều phương tiện khác nhau, như tiến hành nghiên cứu trên khắp các thành phố, bổ nhiệm thanh tra viên giám sát các trường học và cung cấp hướng dẫn chuyên môn. Để đảm bảo thực thi hiệu quả, cơ chế giám sát và tiếp xúc cũng như hệ thống đánh giá danh tiếng sẽ được thiết lập trong chiến dịch.
Trung Quốc có gần 500.000 trường tiểu học, trung học cơ sở và mẫu giáo, với hơn 16 triệu giáo viên và 230 triệu học sinh. Hệ thống giáo dục của nước này phải đối mặt với khoảng cách phát triển thành thị - nông thôn và vùng, dẫn đến sự khác biệt đáng chú ý về cấp độ quản lý trường học ở các khu vực khác nhau.
Shi Zhongying, người đứng đầu Viện Giáo dục tại Đại học Thanh Hoa, lưu ý rằng 12 hành vi bị cấm nêu trong thông tư không phải là chính sách hay yêu cầu mới mà là lời nhắc nhở về các tiêu chuẩn tối thiểu. Mục tiêu là nâng cao nhận thức và đảm bảo rằng giảng viên của trường duy trì và tuân thủ các tiêu chuẩn này.
Kể từ năm 2021, Bắc Kinh đã cố gắng cải cách ngành Giáo dục và giảm bớt áp lực học tập đối với học sinh, kiểm soát ngành dạy kèm tư nhân trị giá 120 tỷ USD để cắt giảm chi phí giáo dục. Nhiều người dân viện dẫn chi phí chăm sóc và giáo dục cao là một lý do để không sinh con.