Tạo cơ chế, chính sách để Hà Nội phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ
Sáng 14-5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt tri ân, tôn vinh các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18-5).
Báo Hànộimới đã ghi nhận một số ý kiến của các nhà khoa học về việc tạo cơ chế, chính sách để Hà Nội phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:
Thí điểm giao quyền sở hữu và định giá kết quả nghiên cứu
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ cho Thủ đô, trong đó, có ngành khoa học công nghệ. Tôi mong Hà Nội nghiên cứu và nếu kịp thì chỉnh sửa để bổ sung trước khi trình Quốc hội thông qua một số vấn đề sau:
Điều 18 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên bổ sung nội dung: Lãnh đạo Hà Nội sẽ đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ đối với các nhà khoa học của Hà Nội và các cơ quan trung ương đóng ở Hà Nội để thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của Thủ đô. Thành phố nên tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp để đặt hàng, đặt rõ mục tiêu, sản phẩm khoa học công nghệ cụ thể, đồng thời, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm thì chắc chắn sẽ có những sản phẩm chất lượng phục vụ cho sự phát triển của thành phố.
Hà Nội nên thí điểm cơ chế giao quyền sở hữu và quyền định giá kết quả nghiên cứu (tức tài sản trí tuệ) của những người làm khoa học. Hiện nay, vướng mắc lớn nhất là các nhà khoa học không phải là chủ sở hữu nên không thể chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu của mình vào doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu thiếu doanh nghiệp, các nghiên cứu về công nghệ phải "bỏ ngăn kéo". Hãy mạnh dạn tin tưởng các nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ có điều kiện và yên tâm cống hiến.
Hà Nội cần đưa những đề nghị cụ thể đó vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Nếu luật chỉ là khung rồi chờ Nghị định Chính phủ hoặc chờ HĐND quy định thì luật ấy sẽ không vượt qua khuôn khổ các luật khác, rất khó đi vào cuộc sống.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam:
Có cơ chế, chính sách để đội ngũ trí thức dám nghĩ, dám hành động
Dù kinh tế các nước trên thế giới đình trệ, gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn phát triển. Mỗi thắng lợi trên địa bàn Thủ đô không tách rời sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô, vì Thủ đô.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới đây với phương châm phát triển Thủ đô phải dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, do vậy, thành phố cần tạo điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển, cho đội ngũ trí thức cống hiến được nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Tôi mong lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp tục tin tưởng hơn nữa, trao cho đội ngũ trí thức các điều kiện, đặc biệt là cơ chế, chính sách để họ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám hành động mạnh mẽ hơn nữa. Điều này sẽ góp phần để đất nước, Thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và vươn tới tầm cao mới.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao:
Tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài nước
Để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tiếp tục cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa cho Thủ đô, tôi mong thành phố giao Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội tập hợp đội ngũ trí thức cả trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các cơ chế, chính sách, các nghị quyết của thành phố và đề xuất các ý kiến, giải pháp xử lý những lĩnh vực nóng, cấp thiết.
Ví dụ như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị, hay lĩnh vực giao thông đô thị, chống ùn tắc, xử lý ô nhiễm môi trường; vấn đề về quy hoạch phát triển đô thị, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, nghiên cứu đề xuất khai thác những cơ chế đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô (sửa đổi)...
Tôi cũng đề nghị thành phố quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để Liên hiệp Hội mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và quốc tế, thúc đẩy việc trao đổi, học tập, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến ở nước ngoài...
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội:
Sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề của Hà Nội
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" thì yếu tố chất lượng nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng.
Để có thể khai thác tiềm năng sẵn có trong đội ngũ cán bộ khoa học, Hà Nội hãy lựa chọn và trao trách nhiệm (theo cơ chế riêng) cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội chủ trì một số dự án khoa học và công nghệ; định kỳ tổ chức tôn vinh những đóng góp của các trí thức, nhà khoa học cho Thủ đô, đồng thời, khích lệ các thế hệ trẻ tài năng luôn hướng về Thủ đô, đến và làm việc lâu dài tại Hà Nội để xây dựng thành phố ngày càng phát triển.
Hà Nội nên có những tổng kết, đánh giá những việc rất cụ thể, tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mọi tầng lớp nhân dân như: Chỗ giải trí, vui chơi cho nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em; vỉa hè, lòng đường, gạch lát có bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ hay không; những phố nào người dân vẫn phải đi bộ dưới lòng đường vì bị hàng quán, phương tiện giao thông chiếm dụng...
Sau tổng kết, đánh giá, thành phố nên công bố công khai. Những việc này tuy rất khó nhưng nếu quyết tâm và áp dụng khoa học công nghệ vào quản trị thì chắc chắn sẽ làm được. Trong những nội dung trên, nếu thành phố thấy khâu nào có thể giao cho đội ngũ cán bộ khoa học thì chúng tôi sẵn sàng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất.