Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP cả nước
Sáng 14-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giai đoạn 2025-2035.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn. Năm 2025, xây dựng cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và nội dung quản lý khác.
Giai đoạn 2026-2030, tập trung giải quyết các hạn chế, thách thức thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Giai đoạn 2031-2035, tiếp tục phát huy, đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến năm 2035.
Chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Ít nhất, 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước; hằng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam…
Báo cáo thẩm tra về tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị rà soát, làm rõ đối tượng thụ hưởng của Chương trình, bảo đảm các đối tượng này phải có cơ sở pháp lý xác định để quản lý chặt chẽ nguồn lực đầu tư; tránh trùng lặp hoặc bị bỏ sót.
Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất về quy mô, phạm vi, địa điểm thực hiện chương trình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phạm vi, quy mô của chương trình còn rộng, dàn trải. Ủy ban đề nghị xác định các nhiệm vụ đầu tư trọng điểm trong từng thời kỳ dựa trên điều kiện thực tiễn ở địa phương và kết quả đầu tư của ngân sách nhà nước ở các thời kỳ trước, một số loại hình công trình văn hóa đặc thù không nên phân bổ đều ở tất cả địa phương.
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV.
Phát biểu thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ ủng hộ rất cao việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa tương xứng với kinh tế, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ông Bùi Văn Cường cũng đề nghị xem xét, rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu sát hợp để hoàn thiện đề án trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa phải dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Trên thế giới hiện nay, công nghiệp văn hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và là xu thế của thời đại, trở thành một động lực tăng trưởng. Nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa.
“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, chương trình mục tiêu quốc gia phải tập trung vào những vấn đề lớn, tầm cỡ, tạo đột phá, những vấn đề cần phải khắc phục mà lâu nay chưa thực hiện được; tập trung huy động lực lượng, huy động nguồn lực để triển khai; còn những nhiệm vụ thường xuyên của ngành thì vẫn đầu tư theo phương pháp hiện hành.