Giá ca cao, đường, cà phê giảm mạnh
Chốt ngày 13-5, giá trị giao dịch đạt trên 6.900 tỷ đồng. Trong đó, giá ca cao, đường, cà phê giảm mạnh.
Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực mua chiếm ưu thế trên cả 3 nhóm nông sản, kim loại và năng lượng. Trong khi đó, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, mức giảm rất mạnh của giá ca cao, đường và cà phê đã khiến chỉ số giá hàng hóa không thể giữ được đà tăng từ 2 ngày trước đó.
Kết thúc ngày giao dịch 13-5, giá dầu ghi nhận đà phục hồi nhờ khả năng gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trong cuộc họp đầu tháng 6 sắp tới.
Đóng cửa, giá dầu WTI tăng 1,10% lên 79,12 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,69% lên 83,36 USD/thùng.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng hơn 5% trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục có chiều hướng thu hẹp. Sản lượng khí đốt của Mỹ đã giảm khoảng 8% từ đầu năm đến nay, do một số công ty năng lượng bao gồm EQT và Chesapeake Energy trì hoãn việc hoàn thành giếng khoan, tiến hành cắt giảm sản lượng sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi vào quý I.
Giá ca cao thiết lập kỷ lục mới về biên độ biến động trong ngày của thị trường hàng hóa, khi đóng cửa ngày 13-5 lao dốc 19,4%, về mức thấp nhất gần 2 tháng.
Cùng chung xu hướng, giá đường 11 giảm ngày thứ 4 liên tiếp, về mức thấp nhất 1 năm rưỡi. Triển vọng nguồn cung tích cực tại các quốc gia sản xuất hàng đầu tạo áp lực lớn lên giá.
Trong một diễn biến khác, giá cà phê Arabica đảo chiều giảm mạnh đầu tuần khi thị trường đón nhận thêm thông tin nguồn cung mở rộng. Tồn kho cà phê Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US kết phiên 10-3 tăng thêm 12.255 bao loại 60kg, lên 711.871 bao. Đây cũng là mức cà phê lưu trữ cao nhất trong hơn 1 năm nay.
Đặc biệt, thống kê sơ bộ từ Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), tháng 4 xuất khoảng 4,6 triệu bao cà phê, với 3,5 triệu bao Arabica dạng hạt, tăng 27% so với cùng kỳ tháng trước.