Bước tiến nhỏ nhằm đích xa
Ngày 10-5 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc với 143 phiếu thuận, 25 phiếu trắng và 9 phiếu chống đã thông qua nghị quyết xác lập quyền của Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.
Mỹ bỏ phiếu chống và trước đấy đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết với nội dung tương tự trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc xem xét tạo thuận lợi cho việc công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, phía Mỹ đã ngay lập tức tuyên bố sẽ lại phủ quyết nếu yêu cầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục được đưa ra biểu quyết tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Khác với trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc không có thành viên nào có quyền phủ quyết.
Nghị quyết nói trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ có giá trị danh nghĩa vì Hiến chương Liên hợp quốc quy định chỉ với sự chấp thuận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thì một quốc gia hay thực thể nào đấy mới có thể được công nhận là thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.
Dù vậy, nghị quyết nói trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc vẫn là bước tiến có ý nghĩa to lớn đối với Palestine. Palestine được Liên hợp quốc dành cho tư cách quan sát viên từ năm 2012. Nghị quyết mới của Liên hợp quốc dành cho Palestine thêm một số quyền hạn và ưu đãi mới. Từ nay, đại diện của Palestine có quyền phát biểu trong Đại hội đồng Liên hợp quốc về những chủ đề không liên quan đến cuộc xung khắc giữa Palestine và Israel. Palestine có thể đưa ra dự thảo nghị quyết cho Đại hội đồng Liên hợp quốc hoặc kiến nghị nội dung mới cho chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đảm trách cương vị nào đấy trong Đại hội đồng Liên hợp quốc...
Nghị quyết này có hiệu ứng tích cực như thế nào đối với Palestine có thể thấy được rõ nét nhất ở mức độ phản ứng rất bực bội của Mỹ và Israel. Sự đồng thuận của hơn ba phần tư trong tổng số 193 thành viên hiện tại của Liên hợp quốc phản ánh sự ủng hộ rất sâu rộng của các quốc gia trên thế giới dành cho Palestine; đồng thời có thể coi đó là thái độ phản đối cách thức Israel tiến hành cuộc chiến tranh hiện tại với Hamas ở Dải Gaza.
Có thể thấy được đại đa số thành viên Liên hợp quốc không đánh đồng Hamas với Palestine; phân biệt rõ ràng cuộc chiến tranh hiện tại ở Dải Gaza giữa Hamas và Israel với vấn đề công nhận nhà nước Palestine độc lập và công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.
Mỹ và Israel chắc chắn sẽ tiếp tục cản trở việc Liên hợp quốc công nhận Palestine là nhà nước độc lập và trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, nhưng không cản trở, càng không đảo ngược được tiến trình ngày càng có thêm nhiều thành viên của Liên hợp quốc công nhận Palestine là nhà nước độc lập. Tiến trình này tuy không thay thế được tiến trình tương tự trong khuôn khổ Liên hợp quốc, nhưng tạo ra được áp lực thôi thúc Liên hợp quốc kiên định và chủ động tiến bước nhanh chóng hơn nữa trong chuyện công nhận Palestine là thành viên đầy đủ.
Chính vì chặng đường phải đi tới đích vẫn còn xa và nhiều gập ghềnh nên mọi bước tiến nhỏ hướng về đích đều có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với Palestine. Nhìn như thế sẽ thấy nghị quyết nói trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc rất tích cực và đáng được khích lệ. Nó đồng thời làm sâu sắc thêm sự cần thiết về việc nhanh chóng cải tổ cơ bản Liên hợp quốc để tổ chức này hoạt động thật sự dân chủ, công bằng và bớt lệ thuộc vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Cứ kiên định "tích tiểu thành đại" như thế, Palestine sẽ tiếp tục tiến gần hơn cái đích hướng tới từ bao lâu nay.