Thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu bến thủy tàu khách
Việc một thành phố sông nước nhưng thiếu bến thủy nghe có vẻ vô lý, nhưng phóng viên Báo Hànộimới đã trực tiếp tham gia sự kiện khai trương chuyến tàu thủy Thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo và ghi nhận thực tế này.
Chưa tiện lợi
7h sáng 13-5, ga tàu thủy Bến Bạch Đằng quận 1 nhộn nhịp khách đến dự lễ khai trương chuyến tàu cao tốc đầu tiên chạy thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Côn Đảo. Như vậy, ngoài việc bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, giờ đây du khách đã có thêm lựa chọn đi tàu cao tốc đến với Côn Đảo với giá vé dao động từ 615.000 đến 1,1 triệu đồng/lượt, vốn nổi tiếng là nơi phát triển du lịch tâm linh của cả nước.
Tuy nhiên, tàu không chạy từ Bến Bạch Đằng. Du khách đến đây sáng nay để được tàu cao tốc E10 của hãng tàu Phú Quốc Express trung chuyển miễn phí từ trung tâm thành phố ra cảng Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè cách đó khoảng 1 giờ di chuyển để đến nơi tàu Thăng Long neo đậu tại một cảng container.
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP (Greenline DP) và là một trong những nhà đầu tư cho dự án siêu tàu cao tốc Thăng Long cho biết, cảng Nhà Bè nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hơn 25km, nhưng do đường sá đi lại không thuận tiện (ngành Giao thông đang sửa chữa đường vào cảng) nên đi bằng ô tô phải mất gần 2 giờ đồng hồ.
Vì vậy, trong thời gian đầu, công ty hỗ trợ người mua vé tàu cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo (1.000 khách/chuyến) di chuyển miễn phí bằng những con tàu cao tốc nhỏ hơn, sức chở hơn 150 khách/chuyến chạy theo sông Sài Gòn ra mũi Đèn Đỏ rồi rẽ phải vào sông Lòng Tàu để đến cảng Nhà Bè. Thời gian di chuyển mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Anh Vũ Hưng Giang, một du khách cho biết, a đã phải dậy từ 5h sáng để di chuyển kịp chuyến tàu xuất bến ở Nhà Bè lúc 7h.
Mong sớm có giải pháp
Trên thực tế, cảng Hiệp Phước là nơi duy nhất tại thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm này có thể tiếp nhận tàu khách cỡ lớn (khoảng 1.000 khách). Việc tàu khách phải neo đậu tại cảng hàng hóa là một trong những bất cập của việc quy hoạch, phát triển bến thủy tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trong một lần chia sẻ với báo giới, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Lux Group (chuyên kinh doanh với tệp khách du lịch tàu biển, du thuyền...) cho biết, tại cảng hàng hóa, xe du lịch không vào được tận cầu tàu nên có trường hợp du khách xuống tàu phải đi bộ cả quãng đường dài dưới trời nắng mới ra được xe ô tô, gây phiền toái.
Còn đại diện Saigontourist, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh mảng tàu biển du lịch quốc tế thông tin những siêu tàu trên 1.000 khách đến thành phố Hồ Chí Minh hiện chủ yếu cập cảng hàng hóa cái Mép - Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Hồ Chí Minh gần 60km, sau đó phải di chuyển bằng đường bộ về thành phố tham quan, nên rất phiền phức.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là những cây cầu lớn của thành phố Hồ Chí Minh bắc qua sông Lòng Tàu (luồng hàng hải chính nối thành phố với Biển Đông) như cầu Bình Khánh, Phước Khánh... chỉ có tĩnh không 55m. Trong khi đó, các siêu tàu du lịch biển sức chở hơn 1.000 du khách cao đến 60m, nên không thể vào sâu nội địa. Những tàu thấp hơn (như tàu Thăng Long) có thể vào sâu, nhưng lại không có bến chuyên dụng để đậu đỗ đón khách.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hệ thống cảng Sài Gòn cũ dọc sông Sài Gòn chạy theo đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) đến Bến Bạch Đằng ven đường Tôn Đức Thắng (quận 1) là nơi lý tưởng để phát triển bến thủy du lịch. Tuy nhiên, do thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương không bố trí bến tàu khách quy mô lớn ở nội đô, nên hiện chưa có một bến thủy đúng nghĩa cho tàu khách.
Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã chủ trương kêu gọi các bên đầu tư bến tàu khách tại mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn và sông Lòng tàu) dưới chân cầu Phú Mỹ (quận 7) để đón những tàu du lịch biển cỡ nhỏ (khoảng 700 khách) hoặc tàu cao tốc (như tàu Thăng Long).
Cùng với đó, quy hoạch phát triển cảng du lịch có thể tiếp nhận tàu khách quốc tế có tải trọng trên 100.000 tấn (tương đương siêu tàu du lịch biển lớn nhất thế giới hiện nay) tại Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế chưa ấn định được thời điểm thích hợp.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thành phố nên nghiên cứu, tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước, phát triển nơi đây thành trung tâm thương mại, du lịch, khu kinh tế đêm, kinh tế ven sông sầm uất nhất khu vực.
Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, khách du lịch bằng đường thủy đóng vai trò lớn trong tăng trưởng kinh tế ở thành phố những năm qua. Đơn cử, lượng khách năm 2023 và 2024 ước đạt 500.000 lượt người, doanh thu 300 tỷ đồng mỗi năm và tăng khoảng 10% những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để phát triển du lịch trong lĩnh vực này còn nhiều thách thức nên cần sự phối hợp của các sở, ngành khác để đầu tư đồng bộ từ bến bãi, cầu tàu đến bến neo đậu.