Đại hội đồng Liên hợp quốc ủng hộ Nhà nước Palestine trở thành thành viên đầy đủ: Bước tiến quan trọng
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Mặc dù việc này chỉ mang tính biểu tượng nhưng có ý nghĩa to lớn đối với quy chế và hoạt động của Palestine tại Liên hợp quốc. Đây cũng là bước tiến mới, góp phần thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước nhằm đạt được hòa bình lâu dài và bền vững ở Trung Đông.
Với 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng, nghị quyết mới của Đại hội đồng Liên hợp quốc tái khẳng định quyền tự quyết của nhân dân Palestine và đánh giá Nhà nước Palestine đã đáp ứng các tiêu chí để trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Nghị quyết cũng khuyến nghị Hội đồng Bảo an xem xét lại việc kết nạp Palestine theo quy định tại Điều 4 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công nhận Palestine là “nhà nước quan sát phi thành viên” vào năm 2012. Chỉ có 9 quốc gia, trong đó có Israel và Mỹ bỏ phiếu chống ở thời điểm đó. Kể từ đấy, chính quyền Palestine đã thực hiện quyền tự trị hạn chế ở Bờ Tây, giám sát phái đoàn của Liên hợp quốc cũng như gia nhập một số cơ quan của tổ chức này, bao gồm cả Tòa án Hình sự quốc tế vào năm 2015.
Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza tiếp tục diễn biến phức tạp, tháng 4 vừa qua, Palestine đã khởi động lại yêu cầu trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Để thành công, Palestine cần được Hội đồng Bảo an “bật đèn xanh” và sau đó đạt được đa số phiếu tại Đại hội đồng nhưng Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Israel đã chặn nghị quyết này vào ngày 18-4. Với nghị quyết lần này, Mỹ cũng nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu chống.
Theo giới phân tích, dù mang tính biểu tượng nhưng nghị quyết vừa được thông qua có ý nghĩa đặc biệt, khi trao thêm quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước quan sát viên của Liên hợp quốc. Palestine cũng sẽ được quyền thay mặt các nhóm nước phát biểu, giới thiệu và đồng bảo trợ các đề xuất; có quyền ứng cử vào một số vị trí tại phiên họp toàn thể và các Ủy ban chính của Đại hội đồng.
Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cho rằng: “Một cuộc bỏ phiếu đồng ý là một cuộc bỏ phiếu cho sự tồn tại của người Palestine. Nó không chống lại bất kỳ nhà nước nào nhưng nó chống lại những nỗ lực tước đoạt nhà nước của chúng ta. Đó là lý do tại sao Chính phủ Israel phản đối điều đó. Bởi vì họ hoàn toàn phản đối nền độc lập và giải pháp hai nhà nước”. Theo Đại sứ Riyad Mansour, việc Liên hợp quốc ủng hộ tư cách thành viên của Palestine là một sự đầu tư cho hòa bình và có thể tăng cường sức mạnh của hòa bình.
Các nhà phân tích nhận định, 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza và sự đau khổ kéo dài của người dân Palestine bằng cách bỏ phiếu thừa nhận Palestine là thành viên thứ 194 của Liên hợp quốc. Thế giới Ả Rập đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng thiết lập quan hệ với Israel trong bối cảnh giải pháp hai nhà nước. Vào ngày 16-5 tới, các nhà lãnh đạo trong khu vực sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập lần thứ 33 và có thể sẽ đưa ra một lời kêu gọi khác về hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Con đường chấm dứt chiến tranh và bình thường hóa quan hệ ở khu vực này rất rõ ràng. Đó là việc thừa nhận Nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967, với thủ đô ở Đông Jerusalem và có quyền kiểm soát các thánh địa Hồi giáo. Khi đó, quan hệ ngoại giao sẽ được thiết lập và an ninh chung của cả Israel và Palestine sẽ được bảo đảm.
Nhiều quốc gia ủng hộ giải pháp hai nhà nước vì nó được quy định trong luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc nhưng Israel không công nhận tư cách nhà nước của người Palestine. Chính phủ Israel phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine ở Bờ Tây và Gaza với lập luận rằng, một nhà nước như vậy sẽ là mối đe dọa đối với sự tồn tại của họ. 142 trong số 193 quốc gia đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine nhưng Mỹ vẫn ngăn chặn tư cách thành viên của Palestine tại Liên hợp quốc. Washington cho rằng cái gọi là giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine chỉ nên thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên.
Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ủng hộ Palestine trở thành thành viên tuy không phải là “liều thuốc chữa bách bệnh” nhưng động thái này sẽ là một bước ngoặt hướng tới một giải pháp công bằng và khả thi cho một trong những cuộc xung đột kéo dài và bất ổn nhất trong lịch sử hiện đại.