Thi hành án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn

Đời sống - Ngày đăng : 19:31, 21/12/2022

(HNMO) - Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được đưa ra truy tố, xét xử và tổ chức thi hành án. Tại hội nghị tổng kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, hoạt động của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự Hà Nội năm 2022 diễn ra chiều 21-12, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cho biết, bên cạnh những thuận lợi thì công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt có những khó khăn vừa mang tính chất chung, vừa có tính đặc thù riêng của Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự Hà Nội tham dự.

Toàn cảnh hội nghị.

Tập trung quyết liệt thi hành án tham nhũng, kinh tế

Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội là đơn vị trọng điểm, có số việc và số tiền phải thi hành án hằng năm đứng thứ hai toàn quốc. Số lượng án phải thi hành ngày càng tăng cao (cả về vụ việc và về số tiền), liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến đại án hình sự về kinh tế, tham nhũng có tài sản phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau.

Theo Phó Trưởng phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án (Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội) Lê Tuấn Thảo, trong số các vụ việc nổi cộm, có vụ án thiệt hại cho Nhà nước phải thu hồi lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Có vụ việc không có kiều kiện thi hành. Đặc biệt, không ít vụ bán đấu giá tài sản không có người mua.

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trực thuộc và hoàn thành các chỉ tiêu về việc, về tiền được giao theo kế hoạch, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tổng thể, linh hoạt, phù hợp để chỉ đạo các phòng chuyên môn, các chi cục bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo, lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.

Nhờ vậy, năm 2022, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng cao hơn năm 2021. Trong tổng số 136 việc có điều kiện thi hành, với số tiền hơn 1.339 tỷ đồng, đã thi hành xong 83 việc với số tiền là  hơn 710,9 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021 tăng hơn 671,5 tỷ đồng).

Việc giải quyết, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo cũng có nhiều khởi sắc. Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã ra quyết định thi hành án đối với 41 bản án/118 bản án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo trên cả nước.

Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm đã nhận 1 việc ủy thác xử lý tài sản là 5.491 cổ phiếu do Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội phát hành, trong đại án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử.

Còn nhiều khó khăn

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho rằng, Hà Nội đứng thứ hai trên toàn quốc về số án phải thi hành nhưng độ khó là số 1. Kết quả thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã thể hiện sự nỗ lực cố gắng rất lớn của các cơ quan thi hành án Hà Nội. Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thi hành án dân sự phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án (Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội) Lê Tuấn Thảo cho biết, nguyên nhân phần lớn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán, đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng.

Điển hình là vụ Dương Chí Dũng, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Phúc, trong vụ án Vinalines đa số không còn tài sản, chưa có điều kiện thi hành án. Hay đại án Phạm Thị Bích Lương - Ngân hàng Agribank với tổng số tiền phải thi hành trên 2.500 tỷ đồng, nhưng khoản chưa có điều kiện thi hành là trên 2.000 tỷ đồng.

Việc xác minh, xác định tài sản, quyền sở hữu tài sản, điều kiện thi hành án, xử lý tài sản của các đối tượng có chức vụ quyền hạn phải thi hành án như: Hà Văn Thắm, Đinh La Thăng, Phạm Thị Bích Lương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, Phan Sào Nam, vụ án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng gặp nhiều khó khăn do xuất phát từ chính các mối quan hệ kinh tế, sở hữu chéo, cơ chế, chính sách pháp luật một số điểm còn chưa phù hợp hoặc việc thiếu minh bạch trong các giao dịch kinh tế, dân sự hoặc có sự cố tình che giấu tài sản.

Một số trường hợp, bản án tòa tuyên nhầm lẫn, sai sót, không rõ, chấp hành viên phải đề nghị tòa án giải thích, đính chính...

Trong bối cảnh hành lang pháp lý về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng còn một số vấn đề, nội dung còn chưa được cụ thể hóa, khó khăn cho xác minh thông tin tài sản, số vụ việc phải thi hành án ngày càng tăng, tính chất phức tạp, thì hằng năm, các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn Hà Nội vẫn phải giảm biên chế.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, các chi cục, cục cần tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan công an, các ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục về thi hành án dân sự; kịp thời xin hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ khi cần thiết. Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiến nghị về biên chế, tạo điều kiện về kho vật chứng; kiểm tra, kiểm sát công tác thi hành án dân sự nói chung.

Đề cập cụ thể hơn, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án (Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội) Lê Tuấn Thảo đề nghị, Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, theo dõi việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng, nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.

Hà Phong