Bài cuối: Ánh sao vàng trên quần đảo Trường Sa
Xốn xang cảm xúc, dâng trào tự hào, đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh đến với Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) bằng tình yêu và khi trở về đã mang theo niềm tin về những con người nơi đầu sóng, ngọn gió bất khuất, kiên trung. Niềm tin ấy tiếp thêm động lực, sức mạnh, tạo nguồn năng lượng tích cực truyền tải đến triệu triệu con tim đang chung nhịp đập vì Trường Sa thân yêu.
Mãi mãi giá trị trường tồn
Chuyến thăm quần đảo Trường Sa của đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh diễn ra đúng dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm những sự kiện lịch sử lớn của dân tộc: 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 49 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2024); 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)...
Thiêng liêng sao khi được dự lễ chào cờ và dự lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đoàn tàu không số năm xưa, những anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa và các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc...
Trong tiếng nhạc trầm hùng quyện cùng hương nhang sâu lắng, chúng tôi như được sống lại những năm tháng vinh quang cả dân tộc cùng đứng lên đánh đuổi giặc xâm lăng. Để rồi, trong từng mạch máu, thớ thịt của mình, âm hưởng của những bài ca chiến thắng càng thêm vang dội. Giữa biển trời bao la, trước mặt chúng tôi là quầng dương chiếu sáng, trên đầu chúng tôi là vầng trăng tỏa rạng... Đất trời linh thiêng đã ôm trọn những người con bất tử, hóa thành sóng nước nghìn năm trường tồn.
Trong câu chuyện của mình, Thượng tá Vũ Trọng Lưu, công tác tại Cục chính trị Hải quân không quên nhắc lại: Đã có những trận bão như cơn cuồng nộ của biển cả khiến nhà giàn vặn như vỏ đỗ, rồi bị quật đổ, nhưng trong gian nguy, các chiến sĩ vẫn kiên trung, bám trụ đến cùng. Sự thật này đã được lịch sử ghi nhận, là khúc tráng ca bất diệt giữa sóng nước trùng khơi.
“Tôi kể câu chuyện xúc động này để thấy, những người con kiên trung bám và giữ biển đảo Tổ quốc còn hơn giữ tính mạng của mình. Hiện nay, các nhà giàn đã được đầu tư hiện đại, vững chãi, song lực lượng làm nhiệm vụ trên nhà giàn vẫn phải đối mặt với hiểm nguy bão tố, sự khắc nghiệt của thiên nhiên... Vượt lên trên hết, anh em trên nhà giàn chưa bao giờ lung lạc ý chí, luôn sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các bạn ấy rất kiên cường, trái tim các bạn ấy đã gắn liền với nhà giàn, các bạn ấy coi nhà giàn như chính ngôi nhà của mình”, Thượng tá Vũ Trọng Lưu nhấn mạnh.
Cũng trong mạch nguồn lịch sử hào hùng của dân tộc, ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa 49 năm trước đã được tái hiện trong lễ diễu binh, diễu hành vào chiều 30-4-2024 trên thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Việc giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn quân, toàn dân, là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào chiến thắng vĩ đại và trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp nối truyền thống cha ông, quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là nền tảng để cả nước cùng hướng về Trường Sa, xây dựng thế và lực phát triển mới cho Trường Sa hôm nay.
Những món quà thiết thực, nặng nghĩa, nặng tình từ đất liền gửi ra các đảo thể hiện sự bền lòng, vững chí, không khoảng cách nào ngăn nổi sự kết tinh tình dân tộc.
Chia sẻ với quân dân trên đảo Sinh Tồn khi tặng quà của đoàn đại biểu, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc không giấu nổi cảm xúc: “Trước khi tàu KN290 cập bến xã đảo Sinh Tồn, đêm hôm qua tới sáng nay, lúc nào cũng nôn nao chờ đợi, bước lên xuồng vào đảo, cảm xúc dâng lên hồi hộp, không thể gọi tên, bởi trong sâu thẳm chính là tình yêu, sự tin tưởng với lực lượng Hải quân Việt Nam và các lực lượng đang công tác trên các đảo”.
Trong mạch cảm xúc ấy, nói thay lời muốn nói, nói thay sự cảm nhận của nhiều đại biểu trong chuyến đi, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc chân thành: “Trong quá trình công tác và trong cuộc sống của mình, có những lúc ta dao động, nhưng khi đi công tác ở Trường Sa, chứng kiến quân, dân Trường Sa vượt qua muôn vàn khó khăn thì mọi sự dao động của chúng ta ở nơi đất liền có khi không nghĩa lý gì với giá trị phấn đấu của lực lượng vũ trang, lực lượng Hải quân Việt Nam. Vì vậy, trong lúc khó khăn mà chúng ta thật sự không vượt qua được, xin các đồng chí, các đại biểu hãy nghĩ về Trường Sa thân yêu để chúng ta để có nguồn năng lượng tích cực, tiếp tục phấn đấu, công tác, lao động, học tập; tiếp tục thể hiện tình cảm, trách nhiệm, niềm tin và là chỗ dựa vững chắc cho Quân đội nhân dân Việt Nam, Hải quân Việt Nam và cho các lực lượng đang công tác ở biển, đảo Trường Sa”.
Niềm tin tiếp thêm sức mạnh
Ở môi trường nào cũng vậy, mỗi người con yêu nước sẽ có những cống hiến riêng nhưng cùng một “mẫu số” - hết lòng vì đất nước. Trên chuyến tàu KN290, chúng tôi đã được gặp những con người như thế!
Anh Ngô Văn Dư (bảo vệ tại một ngân hàng ở thành phố Hồ Chí Minh) là người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022, người đã tình nguyện hiến máu bền bỉ suốt 27 năm qua với 111 lần. Nhớ lại cơ duyên, anh kể: Năm 1995, trong một lần vào bệnh viện, anh thấy người thân của người bệnh hớt hải đi tìm người hiến máu. Sau lần ấy, anh cứ miên man tự hỏi, không biết người bệnh đó có tìm được nguồn máu không, có được cứu sống không...
Năm 1996, khi biết đến phong trào hiến máu của thành phố, anh đã không do dự tham gia. Rồi cứ thế, từ năm 1996 đến nay, đều đặn cứ 3 tháng anh lại đi hiến máu. Việc làm âm thầm của anh đã được cộng đồng ghi nhận. Với thành tích ấy, anh vinh dự là đại biểu được tham gia đoàn công tác đến với Trường Sa.
“Bản thân tôi có điều kiện để đi định cư nước ngoài với người thân, nhưng tôi đã chọn ở lại Việt Nam bởi tôi yêu quê hương, đất nước mình. Giờ đây, được đứng giữa biển đảo thiêng liêng, tôi càng thấy trách nhiệm của mình. Tôi nguyện sẽ tiếp tục tình nguyện hiến máu và lan tỏa tình yêu biển, đảo đến các bạn trẻ”, anh Dư xúc động chia sẻ.
Là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh có bảng thành tích đầy ấn tượng. Tên anh gắn liền với những vụ cứu nạn, cứu hộ gian nguy điển hình, xảy ra từ Bắc vào Nam, từ lên rừng đến xuống biển...
Nhận về mình việc khó, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ trong nước, đầu năm 2023, anh còn cùng đồng đội vinh dự tham gia đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công an Việt Nam, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất ngày 6-2-2023 tại nước này. Kết thúc chuyến đi, đoàn công tác đã cứu sống một người và tìm được 14 thi thể nạn nhân. Đoàn đã được nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng cứu nạn, cứu hộ quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao về năng lực, tinh thần làm việc.
Trải qua hơn 22 năm trong nghề, Trung tá Nguyễn Chí Thành vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, dù bao phen cận kề cái chết nhưng chưa bao giờ anh quên nhiệm vụ “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Không đầu hàng khó khăn, anh tự đặt ra kỷ luật, kỷ cương cho riêng mình phải hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá dẫu phải hy sinh...
Ấy vậy mà, trong chuyến hải trình đáng nhớ, anh vẫn khiêm tốn: “Tôi đã trào nước mắt khi được dự lễ chào cờ, lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chứng kiến sự kiên trung bất khuất của các thế hệ cha anh giữ biển, đảo và so với những cán bộ, chiến sĩ hôm nay ngày đêm canh gác bảo vệ vùng hải đảo quê hương mới thấy sự hy sinh của mình thật nhỏ bé. Những con người tôi gặp trên chuyến hải trình này sẽ trở thành động lực, tiếp sức mạnh mẽ để tôi tiếp tục vượt qua hiểm nguy, không sờn lòng trước mọi thử thách”.
Nụ cười tươi rói dưới vành mũ xanh gắn sao vàng lấp lánh trong nắng, nhà khoa học trẻ Trần Thị Như Hoa, giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) say sưa kể về lĩnh vực khoa học mới mà chị đam mê. Đó là lĩnh vực vật liệu mới ứng dụng để chế tạo các cảm biến sợi quang học dựa trên công nghệ chuyển giao từ Hàn Quốc. Loại cảm biến này có ứng dụng cảm biến nhanh, có thể xét nghiệm các loại bệnh trên người, như người bị bệnh tiểu đường, suy thận hoặc người bị bệnh mất trí nhớ ở tuổi già...
Sau thời gian học tập và tốt nghiệp Tiến sĩ tại Hàn Quốc năm 2018, chị về nước, công tác tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và chị đã ngỏ lời với các giáo sư Hàn Quốc mở hướng mới này tại Việt Nam. Theo đó, hướng mới này có thể phục vụ nhân dân ở những vùng còn nghèo, xa bệnh viện, như Tây Nguyên hoặc những nơi hải đảo.
“Đến với Trường Sa lần này, tôi khảo sát xem chiến sĩ và người dân trên đảo gặp khó khăn thế nào về sức khỏe, thu thập một số dữ liệu để nghiên cứu thêm. Là đảng viên trẻ, tôi mong muốn học được sự hy sinh, nhẫn nại, tinh thần yêu nước ở các chiến sĩ nơi đảo xa. Đó là những điều rất tích cực với người trẻ hôm nay”, chị Như Hoa chia sẻ.
... Những người con quên niềm riêng, ngày đêm canh giữ biển, đảo cùng những tấm gương tiêu biểu nơi đất liền chính là sự tiếp nối cho những nguồn năng lượng tích cực tỏa rạng, mãi lấp lánh trong ánh sao vàng nối liền một dải từ đất liền đến vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Đó là nguồn sáng tự hào của dân tộc Việt Nam!