Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Cung đường “sống chậm”, hay "nét vẽ" của Hà Nội yên bình
Có một loại hình di chuyển giúp ta có thể “sống chậm” hơn mỗi sáng vội vã, hoặc mỗi chiều tan tầm hối hả. Thời gian ngắn ngủi trên xe ấy, ta hòa nhập vào một cộng đồng nhỏ, chân tình, thân thương. Bạn đã bao giờ bước lên một chuyến xe điện ngày xưa, hay xe buýt hôm nay của Hà Nội?
Bài 1: Nét vẽ dung dị trên những con phố “chất đầy năm tháng”…
Phố Hà Nội như bức tranh của hồi ức và kỷ niệm. Những chuyến tàu điện, xe buýt ngày ngày vào ra, vẽ những nét đều đều, dung dị. Nhìn sự đổi thay theo tháng năm của những loại hình vận tải hành khách công cộng, có thể thấy hành trình biến đổi của Thủ đô.
Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya…
Tàu điện xưa không còn tồn tại ở Hà Nội, nhưng thật đặc biệt, giờ đây, qua sự nhắc nhớ của nhiều người, của thơ ca, nhạc họa, chúng vẫn tồn tại như một biểu tượng.
Tàu điện xưa của Hà Nội thường có 2 đến 3 toa, trên nóc có cái cần sắt dài hơi cong, trên đầu có cái ròng rọc để tiếp xúc với đường dây dẫn điện giúp tàu lăn bánh. Tàu điện xưa chạy bằng đường ray sắt quanh khu vực Bờ Hồ và đến một số địa điểm buôn bán, di tích lớn… Thời điểm đó, tàu điện chưa có còi hơi, còi điện như bây giờ. Để phát ra cảnh báo khi gặp chướng ngại vật hoặc đi qua các ngã ba, ngã tư…, người ta đã chế ra cái chuông bằng sắt đặt ngay dưới chân lái tàu. Khi tàu lăn bánh hay gặp chướng ngại vật trên đường, tài xế sẽ dẫm lên cần chuông, chuông phát ra tiếng “leng keng, leng keng…”
Tàu điện bắt đầu chạy ở Hà Nội khoảng năm 1901, và dù đã chấm dứt hoạt động từ năm 1991, nhưng đến hôm nay, sau hơn 30 năm, mỗi khi câu hát “Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…” vang lên, ánh hào quang quá khứ quyến rũ của những chuyến tàu đông đúc vẫn làm nhiều thế hệ người Hà Nội không cầm được lòng nhớ.
Những cô bé, cậu bé ngày ấy mải mê với tiếng chuông tàu điện, náo nức đuổi theo mỗi chuyến tàu giờ đều đã bước vào ngưỡng bên kia cuộc đời. Hẳn là vào thời tuổi trẻ của họ, khi phố xá còn vắng vẻ, nghèo nàn, các phương tiện giao thông cơ giới thưa thớt, tàu điện là thứ chuyển động đều đặn trên phố mang niềm vui, sự náo nhiệt, niềm khao khát hệt như cảm giác của hai chị em Liên và An trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Mỗi chuyến tàu điện đều đặn sớm tối còn như hình bóng của sự tảo tần, chịu thương, chịu khó sớm khuya của các bà, các mẹ buôn thúng, bán bưng sớm sớm quẩy hàng từ các cửa ô vào phố thị, rồi chiều về lại mang cho con trẻ những thức quà chỉ “ba sáu phố phường” mới có. Hẳn là những chuyến tàu điện leng keng hồi ấy chở bao tâm tình, mong ngóng của tuổi thơ, thành ra mới được nhớ thương sâu đậm đến tận bây giờ…
Cũng bị tiếng “leng keng” đầy cảm xúc ấy thôi thúc, người viết đã cất công đi tìm lại hình ảnh chiếc chuông tàu điện năm xưa. Vào những năm 90 thế kỷ trước, sau khi xe điện không còn được sử dụng, những phế phẩm được tập kết tại số 69 Thuỵ Khuê, vốn là trụ sở của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội bấy giờ. Cái kho được coi như chứa toàn đồ đồng nát ấy, không mấy ai để ý đến, nhưng vẫn có người trân trọng, tìm kiếm và gìn giữ được vài món đồ của một thời quá vãng đến hôm nay. Trong số đó, có hai chiếc chuông tàu điện hiện nằm trong bộ sưu tập của hai cá nhân từng có thời gian gắn bó với xe điện Hà Nội (một người đã qua đời). Trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (năm 2014) diễn ra tại Nhà hát Lớn, chiếc chuông tàu điện cùng một số đồ vật có ý nghĩa khác đã được trưng bày để công chúng hiểu hơn về hành trình 10 năm đầu đời của vận tải hành khách công cộng Thủ đô…
Xe buýt và một thói quen mới của người Hà Nội
Thời gian trôi đi, nhu cầu của cuộc sống cũng biến đổi, đã có thời điểm, tàu điện được cải tiến thành xe điện bánh lốp. Ông Lê Đình Hà, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội, người đã có 30 năm gắn bó với xe điện và sau này là xe buýt, chùng giọng khi nhắc nhớ đến thời điểm ông mới vào nghề, cũng chính là giai đoạn “thoái trào” của xe điện.
Sau đó, xe điện bánh lốp thay thế tàu điện với số lượng ít ỏi chỉ có 7 chiếc, chạy không cần đường ray. Nhưng dù đi lại khá thuận tiện, loại hình xe điện này không được thương nhớ sâu đậm, thậm chí đến nay không được mấy người Hà Nội nhớ đến. Có lẽ phần vì nó xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi, phần nữa có lẽ là vì thiếu hẳn tiếng leng keng đầy cảm xúc…
Dù trước đó vẫn tồn tại song song nhưng sau giai đoạn giao thời này là đến kỳ “hoàng kim” của xe buýt. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - người đã công tác nhiều năm tại Báo Hànộimới và cũng là người có nhiều tác phẩm về lịch sử, văn hóa Hà Nội từng kể không ít câu chuyện thú vị về “cái thuở ban đầu” khó quên của xe buýt Hà Nội.
“Năm 1985 thì đi xe buýt phần lớn là sinh viên. Những ai từng đi tuyến Lò Đúc - Nhổn chắc chắn sẽ không quên được cảnh xe Karosa của Tiệp Khắc dài ngoẵng từ Nhổn ra Lò Đúc trong khoảng 8-9h sáng sẽ thấy những thúng thịt chó vàng ươm nằm dọc theo chiều dài của xe. Người ta mang vào nội thành để bán ở các quán bia và các chợ. Thế nhưng, chuyến trưa thì tuyến này đông vô cùng vì sinh viên Thương Mại, Sân khấu Điện ảnh, Trường Múa, Xiếc và diễn viên các nhà hát giao hưởng, ca múa nhạc dân tộc... đều đi xe buýt… Đi xe buýt thời kỳ này nhiều chuyện dở khóc, dở cười khi chen nhau bẹp cả cặp lồng cơm...”.
Tài xế Trần Xuân Cảnh, người từng có hơn hai mươi năm “ôm” vô lăng xe buýt nhận ra rất rõ những chuyến buýt đã thay đổi thói quen đi lại của người Thủ đô thế nào. Anh Cảnh không quên được ngày mới vào nghề, một lần, xe vừa qua bến chân cầu Long Biên khoảng hơn trăm mét thì có một khách nam trung niên “vẫy” xe dọc đường. Anh thực hiện theo quy định, không dừng xe, người khách sau đó gọi “xe ôm” đuổi theo xe buýt. Đến bến tiếp theo, người này hùng hổ lao lên xe và có những lời lẽ nặng nề xúc phạm anh. Sau khi anh ôn tồn giải thích, khách vẫn tiếp tục lớn tiếng đến tận bến Linh Đàm. Nhìn thái độ nóng nảy của khách, anh im lặng và chú tâm vào việc của mình. Vài ngày sau gặp lại, người khách đó đã có lời xin lỗi tài xế…
Những ngày đầu, anh Cảnh phải chứng kiến những hành vi chưa đẹp như không nhường ghế cho người già, gian lận vé tháng, thiếu tôn trọng tài xế và phụ xe… Nhưng rồi, những việc ấy giảm dần, một phần vì chất lượng xe buýt đã được cải tiến, chỗ ngồi sạch sẽ, thoáng mát, không còn những chuyến xe quá tải, đường xá cũng được cải thiện, tần suất xe nhiều hơn. Hành khách lên xe giờ không chỉ có học sinh, sinh viên, mà cả công chức, viên chức, người kinh doanh. Mọi người tự giác nhắc nhở nhau giữ vệ sinh chung, việc nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ là chuyện đương nhiên, ai đau ốm đều được hành khách là bác sĩ, nhân viên y tế tận tình hỗ trợ, không còn cảnh chen lấn, hành vi ăn cắp, móc túi… Thời gian lái tuyến buýt 36 Yên Phụ - Linh Đàm, anh Cảnh có thêm nhiều người bạn là những hành khách đi vé tháng, sáng đón, chiều tiễn, trò chuyện vui vẻ, thân tình và giúp đỡ nhau nhiều việc trong cuộc sống hằng ngày.
Xe buýt Hà Nội hôm nay đã dần trở thành thói quen đi lại của không ít người dân Thủ đô. Điều này có được một phần không nhỏ đến từ thái độ phục vụ văn minh, tận tuỵ của đội ngũ tài xế, phụ xe và những người phục vụ phía sau mỗi hành trình…