Hà Nội kết nối

Nhiều địa phương của thành phố Hồ Chí Minh rục rịch triển khai quản lý vỉa hè

Hà Phạm 10/05/2024 - 20:00

Tiếp nối quận 1, nhiều địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thúc đẩy tiến trình thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, qua đó, góp phần tạo công bằng cho người dân, giúp trật tự đô thị nền nếp hơn.

p1.jpg
Vỉa hè đường Phan Bội Châu (quận 1) khá rộng, được kẻ vạch sơn và tổ chức sử dụng khá bài bản. Ảnh: Hà Phạm.

UBND quận 1 đã triển khai thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức kinh doanh, mua bán hàng hóa theo Quyết định 32/2023 của UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.

Đây cũng là địa phương đầu tiên của thành phố tổ chức triển khai và ra mắt phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1”.

Tiếp nối quận 1, nhiều địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thúc đẩy tiến trình thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè.

p4.jpg
Vỉa hè đường Lý Thái Tổ, quận 3 và quận 10 rất rộng, được kẻ vạch sơn, sẵn sàng tổ chức thí điểm sử dụng có thu phí thời gian tới. Ảnh: Hà Phạm.

Cụ thể, mới đây, chính quyền quận 5, 10, 11, 12 cũng đã hoàn thành khảo sát và gửi đến Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh (cơ quan được UBND thành phố giao chủ trì) danh mục các tuyến đường trên địa bàn có vỉa hè rộng, đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần hè phố ngoài mục đích giao thông, để được triển khai chính thức.

p5.jpg
Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 5 cũng đã được kẻ vạch sơn sẵn sàng cho ngày thí điểm sử dụng có thu phí. Ảnh: Hà Phạm.

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, nếu triển khai hiệu quả không chỉ giúp công tác quản lý trật tự lòng lề đường đi vào nền nếp, văn minh, mà còn tạo nguồn thu, sự công bằng, bình đẳng cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán một cách công khai.

p13.jpg
Đường 3-2, quận 10 cũng đã sẵn sàng cho ngày chính thức tổ chức thí điểm sử dụng vỉa hè có thu phí. Ảnh: Hà Phạm.

Theo Quyết định 32, các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng tiền, gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ô tô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ; nơi trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị... Vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng thu phí vỉa hè từ đầu tháng 1-2024 cho khoảng 900 tuyến đường thuộc 5 khu vực trên địa bàn. Mức phí ở nội thành cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng mức 20.000 - 100.000 đồng/m2.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 10-5, phóng viên đã ghi nhận hình ảnh vỉa hè một số nơi vẫn còn lộn xộn, chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Hy vọng khi chủ trương quản lý vỉa hè, lòng đường của UBND thành phố Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp, những hình ảnh gây mất mỹ quan đô thị này sẽ không còn tồn tại.

p2.jpg
Cũng là tuyến đường được thí điểm nhưng một số khu vực vỉa hè trên đường Cô Bắc (quận 1) vẫn bị hàng rong lấn chiếm. Ảnh: Hà Phạm.
p14.jpg
Một số đoạn, vỉa hè trên đường Trần Bình Trọng, quận 5 bị lấn chiếm không còn lối đi cho người đi bộ. Ảnh: Hà Phạm.
p7.jpg
Các tuyến đường trên địa bàn huyện Bình Chánh cũng có vỉa hè khá rộng rãi nhưng chưa được tổ chức thí điểm nên khá lộn xộn. Ảnh: Hà Phạm.
p6.jpg
Hàng rong lấn chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường trên tuyến đường 9A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Ảnh: Hà Phạm.
p11.jpg
Vỉa hè đường Lê Văn Việt (thành phố Thủ Đức) khá rộng, nhưng chưa được thí điểm quản lý, nên còn khá lộn xộn. Ảnh: Hà Phạm.
p9.jpg
Tương tự, vỉa hè một số đoạn trên đường Nguyễn Thị Định (thành phố Thủ Đức) rộng nhưng cũng bị lấn chiếm gần hết. Ảnh: Hà Phạm.